MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hà Nội: "Mưa muối" làm khổ người trồng dâu

LƯƠNG HẠNH - LAN NHƯ LDO | 18/03/2021 09:17

Chỉ còn khoảng nửa tháng nữa là vào mùa thu hoạch dâu tằm, thế nhưng người dân tại xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội) không còn tất bật chuẩn bị cho công việc thu hoạch như mọi năm. Năm nay, người dân gần như “mất trắng” vì những quả dâu trắng ởn, khô cứng ngay trước lúc thu hoạch.

Mọi năm, cứ cuối tháng 3 đến giữa tháng 4, những cánh đồng dâu của xã Hiệp Thuận lại vào chính vụ chín đen, ngọt, mọng. Đất Hiệp Thuận được mệnh danh là một trong những địa điểm trồng nhiều dâu tằm nhất khu vực miền Bắc. Năm nay, cánh đồng đa số là những cành cây với những quả dâu khô héo.

Những chùm dâu tằm to, đẹp, mọng nước như thế này vô cùng ít ỏi trong các vườn dâu tằm của xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ. Ảnh: Lan Như.
Bà Đinh Thị Thanh (SN 1963) đang tự tay chặt những cành dâu hỏng trên vườn dâu của gia đình. “Nhìn như thế này là mất trắng chứ còn gì mà bán nữa. Mọi năm tôi thu không xuể, còn phải thuê người thu hoạch giúp. Năm nay mưa muối nhiều, dâu cứng, khô trắng hết cả. Quả nào còn lại đến lúc nó to lên cũng bị như thế này hết thôi”, bà Thanh than thở.
Bà Thanh đang rất lo lắng vì một mùa thu hoạch dâu tằm dự báo “mất trắng“. Ảnh: Lan Như.

Cũng theo bà Thanh, loại cây này tưởng chừng công đoạn trồng và chăm bón rất đơn giản thế nhưng dâu chín theo ngày, quả nào chín là phải thu hoạch luôn trong ngày. Không chỉ thế, vì dâu rất dễ dập, nát nên cần thật nhẹ nhàng trong lúc hái. Năm nay, cả 2ha dâu đều hỏng gần hết nên bà Thanh không còn cơ hội thực hiện công việc “nhẹ nhàng” này.

Vườn dâu của bà Thanh đứng trước nguy cơ “vứt bỏ“. Năm nay, gia đình bà xác định thua lỗ. Ảnh: Lan Như.

Khi được hỏi lý do dâu hỏng, bà Phạm Thị Huệ (SN 1966) đã trồng dâu tằm qua 6 mùa tâm sự, tất cả đều do thời tiết, khí hậu. Cách chăm bón năm nào cũng được thực hiện như nhau nhưng loại dâu tằm chỉ cần một cơn mưa nhiễm axit (một hiện tượng mưa mà trong nước mưa có độ pH dưới 5,6) là đã hỏng hoàn toàn.

Cách đây 10 ngày, bà Huệ vẫn xuống cánh đồng dâu tằm để chăm sóc chờ thu hoạch. Chỉ vài cơn mưa đã khiến bà mất trắng, trong khi đó đủ thứ tiền phải chi trả như tiền thuốc, tiền phân bón… chưa kể đến công chăm sóc, tưới tiêu.

“Cây dâu tằm ưa sáng, năng suất và chất lượng quả dựa vào điều kiện chiếu sáng. Thiếu ánh nắng lá dâu mỏng, thân mềm yếu, quả không ngọt và nhỏ” - bà Đỗ Thị Nợi (50 tuổi) – Chủ vườn dâu tằm ở Phúc Thọ chia sẻ.

Những quả dâu tằm trắng, khô và cứng sẽ đều phải bỏ hết. Ảnh: Lan Như.
Cũng theo bà Nợi, vụ mùa năm nay, gia đình bà cùng 4 hộ khác góp tiền đầu tư 5 sào dâu tằm. Nhưng hiện tại vườn dâu nhà bà vẫn chưa thu hồi được vốn.

“Kinh tế gia đình tôi phụ thuộc vào cả 5 sào dâu, chỉ còn nửa tháng nữa là đến vụ thu hoạch, giờ gần như hư hại hết. Chúng tôi mong Nhà nước hỗ trợ giúp gia đình tôi cũng như nhiều bà con khác khôi phục sản xuất”, bà Nợi nói.

Gia đình bà Phan Thị Yên (SN 1956) và ông Nguyễn Văn Hành (SN 1955) là một trong những hộ may mắn có một mùa dâu tằm không quá “thất bát”. Trước đó, gia đình ông bà trồng bưởi. Vì dâu tằm nhanh thu hoạch hơn, giá thành rẻ hơn nên ông bà trồng xen canh với bưởi. Sắp tới, bà Yên chỉ mong có thể bán được hết số dâu tằm chứ chưa mong có lãi.

Gia đình ông Yên là một trong số ít hộ trồng dâu tằm được quả “đẹp” chờ thu hoạch. Ảnh: Lan Như.
Mỗi ngày hai lần, bà Yên ra vườn để thu hoạch những quả dâu tằm đã chín. Ảnh: Lan Như
Thông thường dâu tằm sau khi thu hoạch thương lái sẽ đến tận vườn mua với giá từ 5.000 – 10.000 đồng/kg. Do dịch COVID-19 khiến đầu ra của dâu tằm gặp khó khăn, nếu khách mua tại vườn dâu chín, ngon, quả mọng nước cũng chỉ vài chục nghìn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn