MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Khánh Toàn tình nguyện trông nom, dọn dẹp nghĩa trang. Ảnh: P.Đ

Hà Nội: Người cựu binh hơn 30 năm tình nguyện “canh giấc” cho đồng đội

Phạm Đông LDO | 02/05/2021 17:37
Hơn 30 năm qua, người cựu binh Nguyễn Khánh Toàn (sinh năm 1935, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội) vẫn đều đặn đến Nghĩa trang liệt sĩ huyện để trông nom, quét dọn, hương khói cho các phần mộ.

Hơn 30 năm qua, không kể trời mưa rét hay nắng nóng, ông Nguyễn Khánh Toàn vẫn hàng ngày đến nghĩa trang cần mẫn chăm sóc từng khóm hoa, quét dọn và và hương khói cho gần 200 phần mộ liệt sĩ huyện Phú Xuyên (TP. Hà Nội).

Đối với những ngôi mộ khuyết danh, không có người tới thăm nom, ông Toàn tự coi mình là người thân, người đồng chí, đồng đội và thường xuyên tới lau dọn. Có hôm, ông còn nhổ những cụm sả to, hái lá bưởi tự tay nấu nước lau rửa, quét dọn cho các ngôi mộ liệt sĩ trong khuôn viên nghĩa trang.

Cựu chiến binh Nguyễn Khánh Toàn vẫn hằng ngày đến nghĩa trang liệt sĩ huyện Phú Xuyên (TP. Hà Nội) chăm sóc cho các phần mộ. Ảnh: PV

Ông kể, năm 1967, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông đã làm đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ. Kinh qua nhiều gian khổ, bom đạn năm xưa, đến bây giờ ông Toàn vẫn nhớ như in những trận đánh mà ông không thể nào quên.

Trong trận chiến đó, ông và đồng đội đã tấn công sân bay Tân Sân Nhất, đến đánh trận Lộc Châu, Trảng Bàng, bảo vệ từng tấc đất, giữ an toàn cho các đơn vị chủ chốt...

Nghĩa trang liệt sĩ huyện Phú Xuyên.

Ông Nguyễn Khánh Toàn chia sẻ: “Thời bình trở về, dù mang trong mình thương tật nhưng tôi vẫn tình nguyện nhận công việc quản trang cho Nghĩa trang liệt sĩ thị trấn huyện. Có những hôm mưa to, gió lớn, bát hương, lọ hoa bị đổ vỡ, tôi thường ở đây túc trực, dọn dẹp, sắm lại đồ thờ, thay bát hương mới.

Trong nghĩa trang có gần 1/3 ngôi mộ khuyết danh đến nay vẫn chưa có người thân đến chăm sóc nên tôi tự coi mình là anh em, người thân, người đồng đội của các liệt sĩ để đến chăm sóc mỗi ngày”.

Theo ông Toàn, suốt hơn 30 năm đảm tình nguyện làm công việc này, ông cùng người con trai đã trồng nhiều cây xanh, cùng trồng hoa, rẫy cỏ, để tạo cảnh quan, bóng mát.

“Tôi trồng hai hàng cau thẳng tắp hai bên đường vào giống như hai hàng lính tân binh nghiêm nghị đón khách. Xung quanh nghĩa trang, tôi trồng những cây thuốc Nam hái lượm được trên rừng để thi thoảng phụ vào chi phí hương khói cho các anh em đang nằm tại đây. Cây nào cũng có những câu chuyện mà tôi gửi gắm trong đó” - ông Toàn cho hay.

Gần 200 ngôi mộ liệt sĩ hằng ngày được ông Toàn chăm sóc rất cẩn thận.
Bất kể trời mưa hay nắng ông Toàn luôn có mặt tại nghĩa trang để trông nom mộ phần các liệt sĩ.

Anh Nguyễn Hồ Điệp, con trai ông Nguyễn Khánh Toàn cho biết, những lúc rảnh rỗi, bố anh thường xuyên ra nghĩa trang chăm sóc, dọn dẹp cho các đồng đội. Với ông, được làm công việc này là một niềm hạnh phúc, là sự tri ân của mình với những người đồng chí, đồng đội đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

"Chứng kiến bao tấm gương hy sinh anh dũng của đồng đội, ông thường xuyên kể cho con cháu nghe những câu chuyện thời chiến với lòng biết ơn, coi trọng giá trị hòa bình" - anh Điệp kể lại.

Với những cống hiến đó, ông Toàn đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước như: Huân chương chiến công; Huân chương chiến sĩ Quân giải phóng hạng Một, Hai, Ba; danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ; Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba và nhiều bằng khen khác của Thành phố Hà Nội...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn