MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân vẫn phải sử dụng nước từ giếng khoan. Ảnh: Nguyễn Thuý

Hà Nội: Người dân khốn đốn vì thiếu nước sinh hoạt

Nguyễn Thúy LDO | 20/03/2023 09:23

Chủ trương di dời các trường đại học ra ngoại ô khiến lượng sinh viên đổ về khu vực Láng - Hòa Lạc (Thạch Thất) ngày càng đông đúc, tuy nhiên một thực tế đang diễn ra đó là không đủ nước sinh hoạt để cho người dân dùng.

Khát nước sinh hoạt

Nước rửa rau xong tận dụng lại để rửa bát, rửa chân tay, giặt quần áo… chưa kể đến việc dùng nước cho vệ sinh cá nhân cũng được tiết kiệm tối đa. Đây đã trở thành một thói quen gần như mang tính bắt buộc với những hộ dân tại xã Thạch Hòa, Bình Yên (Thạch Thất, Hà Nội).

Đa số người dân tại đây cho biết, đến thời điểm hiện tại, nguồn nước chủ yếu vẫn từ giếng khoan, giếng đào, nước mưa tích trữ và không có hệ thống nước máy.

Chính vì vậy, khi cao điểm mùa khô diễn ra, đặc biệt là khoảng thời gian từ đầu tháng 11 hằng năm cho đến tháng 5 - 6 năm sau, tất cả phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước.

Trong khi đó, lượng sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội và sinh viên Đại học FPT chuyển lên đây học tập ngày càng nhiều. Để có nước sinh hoạt, họ phải mua nước với giá 400.000 - 700.000 đồng/xe 5m3. Lo lắng về chất lượng nguồn nước, nhiều người còn lựa chọn mua nước tinh khiết đóng chai có giá 15.000 đồng/bình 20 lít.

Tại gia đình của chị Vũ Thị Lý (thôn 3, xã Thạch Hòa, Thạch Thất), 30 phòng trọ phải phụ thuộc hoàn toàn vào những xe téc cấp nước.

“Xóm trọ 30 phòng thì một ngày tiêu thụ khoảng 15m3 nước, giá là 700.000 đồng/xe nước 5m3. Nếu nhân lên, cả tháng cả chục triệu tiền nước” - chị Lý nói.

Tương tự, tại khu trọ của bà Lê Hồng Phi (thôn Vân Lôi, xã Bình Yên, Thạch Thất) có hơn 40 phòng nhưng giờ 2/3 đang phải bỏ trống, không có khách thuê bởi không có nước để dùng.

“Giờ mua nước cũng phải xếp hàng, đặt lịch cả tuần mới đến lượt. Thậm chí phải mua nhiều người ta mới chở cho, mua ít không chở” - bà Phi nói.

Dù các chủ nhà trọ khẳng định không tăng giá phòng và chấp nhận mua hàng trăm nghìn đồng cho mỗi xe nước để giữ chân khách. Tuy nhiên nhiều người thuê trọ vẫn bày tỏ lo ngại về chất lượng nguồn nước.

“Màu nước trong, nhưng khi tắm vào rất ngứa, da nổi mẩn sần sùi. Mấy tháng nay tôi phải dùng khăn bịt các đầu vòi lọc bớt cặn để dùng tạm và mua nước bình để uống, nấu ăn”, chị Lan Anh - sinh viên tại khu trọ ở xã Thạch Hòa cho hay.

Tìm nhà đầu tư mua nước

Trao đổi với PV, ông Trương Quang Hồng - Chủ tịch UBND xã Bình Yên - cho biết, từ nhiều năm nay, nước sinh hoạt của người dân trên địa bàn xã chủ yếu lấy từ các giếng đào, giếng khoan và chưa có hệ thống cung cấp nước tập trung.

Chính vì vậy, khi lượng sinh viên đổ về đây học tập ngày càng đông khiến cho tình trạng thiếu nước trở thành vấn đề cấp bách.

“Dù đường ống nước sạch sông Đà ở ngay gần nhưng vẫn chưa thể đấu về cho dân sử dụng, bởi chưa tìm được nhà đầu tư mua nước. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng sớm khảo sát và có phương án mở rộng vùng cấp nước ra các xã xung quanh trường đại học để đảm bảo sức khỏe và thuận lợi cho sản xuất, phát triển kinh tế” - ông Hồng nói.

Trước tình trạng trên, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội thông tin, hiện ngay gần các xã này là khu công nghệ cao Hòa Lạc, đang được Công ty Nước sạch Hà Nội phân phối nước. Do vậy Sở đã có phương án xin UBND TP Hà Nội cho công ty này mở rộng vùng cấp nước ra các xã xung quanh các trường đại học.

Sở cũng cam kết sẽ đốc thúc tiến độ để cố gắng cung cấp được nước sạch cho khu vực này bởi dự kiến tháng 9 tới, 3.500 sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội và vài nghìn sinh viên Đại học FPT tiếp tục chuyển lên đây và học tập.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn