MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hà Nội: Nhà hàng, quán ăn mệt mỏi vì quận liên tục "đổi màu" cấp độ dịch

TRẦN TUẤN - HỮU CHÁNH LDO | 03/01/2022 17:03

Hà Nội - Cấp độ dịch thay đổi liên tục khiến các nhà hàng, quán ăn ở quận Đống Đa cứ mở rồi lại phải đóng, đóng rồi lại mở, gây thiệt hại lớn về kinh tế... Tình cảnh này có thể sẽ còn diễn ra ở các quận khác tại Hà Nội.

Xoay như chong chóng

Chuỗi nhà hàng Hẻm Quán có 3 cơ sở trên địa bàn quận Đống Đa. Đầu tháng 11.2021, khi các dịch vụ kinh doanh ăn uống tại Hà Nội được phép mở cửa trở lại, chuỗi này bắt đầu tuyển nhân viên phục vụ, nhưng cũng phải mất 1 tháng mới tuyển đủ số lượng nhân viên. Thế nhưng vừa vào hoạt động chưa được 2 tuần, quận Đống Đa lại chuyển sang “vùng cam”, chỉ được bán đồ ăn mang về. Vì vậy, nhà hàng chỉ giữ lại được khoảng 30-40% tổng số lượng nhân viên.

Mới đây (ngày 31.12 – PV), quận Đống Đa lại hạ cấp độ dịch xuống cấp độ 2 (màu vàng), nhiều dịch vụ được phép hoạt động trở lại, trong đó có ăn uống tại chỗ nhưng đại diện chuỗi nhà hàng Hẻm Quán cho biết rất khó để tuyển lại số lượng nhân viên như trước đây.

“Nhân viên bên mình đợt vừa rồi về quê hết rồi. Việc gọi các bạn quay lại làm sẽ rất khó. Mà quay lại thì nhân viên cũng không biết sẽ làm được bao lâu khi mà cấp độ dịch thay đổi liên tục. Ai cũng mệt mỏi với tình cảnh ra thành phố làm 1-2 tháng rồi lại phải về”, bà Lương Thanh Vân, Trưởng phòng Marketing chuỗi nhà hàng Hẻm Quán cho biết.

Nhà hàng Hẻm quán (quận Đống Đa) tuyển nhân viên sau khi được mở dịch vụ ăn uống tại chỗ. Ảnh: PV.

Cũng trong cảnh thấp thỏm, ông Nguyễn Văn Dũng (55 tuổi, chủ một quán lẩu trên đường Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa) chia sẻ, trước đây cửa hàng có 5 - 6 nhân viên, nhưng sau khi có thông báo chỉ được bán hàng mang về thì ông bắt buộc phải giảm số lượng nhân viên xuống, chỉ giữ lại nhân viên chính.

Đến nay, quán ăn trên địa bàn quận Đống Đa được đón khách tại chỗ, nhưng ông Dũng cũng chưa dám tuyển thêm nhân viên mới.

“Thời gian tới, không may lại có thông báo đóng cửa nữa thì lại phải bảo họ nghỉ việc, còn giữ lại thì không có tiền mà trả lương cho họ. Nên nếu cứ thay đổi cấp độ dịch liên tục như vậy thì chủ quán cũng như nhân viên rất lao đao”, anh Dũng nói.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, một số nhà hàng tại khu vực quận Thanh Xuân, nơi vừa tăng cấp độ dịch từ “vùng vàng” sang “vùng cam”, chỉ được phép bán đồ ăn mang về thì lại không dám cho nhân viên nghỉ việc dù số lượng công việc hàng ngày đã giảm đi quá nhiều.

Quán phở của anh Phong hiện có 11 nhân viên phục vụ, nhưng chỉ được bán mang về. Ảnh: PV

“Mình cũng phải bố trí chia ca, sắp xếp công việc cho họ để họ làm. Nếu cho nhân viên nghỉ sớm mà ít hôm nữa cấp độ dịch lại hạ xuống, được bán tại chỗ, lúc đó mình lại phải đi tìm nhân viên mới thì rất khó khăn. Sắp Tết rồi tuyển lại càng khó hơn”, anh Nguyễn Tiên Phong, chủ một quán phở trên địa bàn quận Thanh Xuân cho biết.

Cần có sự điều chỉnh

Trao đổi với phóng viên Lao Động, đại diện một số nhà hàng tại Hà Nội cho rằng, quy định việc cấm bán hàng tại chỗ theo từng quận không có tác dụng phòng dịch, chỉ thêm phiền phức và thiệt hại kinh tế.

“Tôi đề xuất cơ quan chức năng có thể ra quy định buộc hàng quán tuân thủ 5K, lập vách ngăn, chỉ nhận 50% khách. Đồng thời xử lý nghiêm những người vi phạm phòng chống dịch, thay vì cấm bán tại chỗ”, chủ một nhà hàng ở quận Đống Đa nói.

Cách đây chỉ hơn một tuần (25.12), phóng viên Lao Động đã ghi nhận được hình ảnh bi hài "bê phở từ vùng cam sang vùng vàng để ăn tại chỗ": Quán phở Thìn số 13 phố Lò Đúc, nằm giáp ranh giữa 2 quận Hai Bà Trưng và Hoàn Kiếm. Vì quán nằm trong “vùng cam – vùng nguy cơ cao” nên chỉ được phép bán mang về. Tuy nhiên, nhân viên quán phở đã hướng dẫn khách sang quán cà phê đối diện tại phố Hàm Long (quận Hoàn Kiếm) để phục vụ khách ăn tại chỗ.

Thời điểm đó, sự việc tương tự cũng diễn ra tại đường Trường Chinh nằm giữa hai quận Thanh Xuân (vùng vàng), Đống Đa (vùng cam). Bên này đường, quán đóng im ỉm, bên kia đường nhộn nhịp khách vào ra. Cho đến hôm nay (kể từ 12h, ngày 3.1), tình cảnh lại đảo ngược trên con đường này, quận Đống Đa trở về vùng vàng, quận Thanh Xuân tăng cấp độ dịch thành vùng cam (các quán ăn, nhà hàng chỉ được bán hàng mang về)...  

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng, việc cấm ăn uống tại chỗ chỉ giúp dễ truy vết chứ không thể cấm người dân dừng đi làm và di chuyển giữa các quận.

"Việc cấm bán hàng theo địa giới hành chính như hiện tại không có tác dụng, bởi cấm ở quận này, người dân lại sang quận khác để ăn uống hoặc tụ tập ở nhà, tiềm ẩn nguy cơ lây lan", ông Hùng nói.

Một quán ăn trên địa bàn quận Thanh Xuân dọn dẹp và chỉ bán mang về từ 12h ngày 3.1. Ảnh: PV.

Không chỉ gây khó khăn với người dân, theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, hạn chế các dịch vụ không thiết yếu ở các quận vùng cam có thể giảm số người tập trung, nhưng cái giá phải trả cho thiệt hại về kinh tế rất lớn.

Đồng tình với kiến nghị của các chủ nhà hàng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng bản chất của việc chống dịch là tăng cường giám sát việc tuân thủ 5K của người dân, chủ cửa hàng và đơn vị quản lý, thay vì phân theo địa giới hành chính cấp quận.

Tối 31.12, UBND TP.Hà Nội có thông báo số 865 về việc đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố. Theo đó, về cấp độ dịch, hiện thành phố có 10 quận, huyện "vùng cam" (nguy cơ cao): 18 quận, huyện "vùng vàng" (nguy cơ trung bình), 2 quận huyện "vùng xanh" (nguy cơ thấp).

So với lần công bố trước đó, quận Đống Đa đã "hạ nhiệt" chuyển từ "vùng cam" về "vùng vàng", còn quận Thanh Xuân lại từ "vùng vàng" lên "vùng cam". 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn