MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động làm thủ tục tại TTDVVLHN. Ảnh: Lan Như.

Hà Nội: Nhiều cơ hội việc làm cho người khuyết tật

Lan Như LDO | 26/11/2020 12:00

Hiện nay, nhiều người khuyết tật mong muốn có cơ hội học nghề để có việc làm và thu nhập ổn định. Với trách nhiệm xã hội của mình, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã dành nhiều vị trí ứng tuyển cho nhóm người yếu thế. Từ đó, giúp người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng và vươn lên trong cuộc sống.

Nỗi lo tìm việc sau đại dịch

Nhiều ngày nay, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội (TTDVVLHN) luôn trong tình trạng đầy ắp người đến đăng ký tìm việc làm và làm hồ sơ xin trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp. Do vậy, nhiều phiên giao dịch việc làm đã được phối hợp tổ chức nhằm giúp người có nhu cầu sớm quay trở lại thị trường lao động. Đặc biệt, ngày 26.11, TTDVVLHN còn tổ chức phiên giao dịch lồng ghép tuyển dụng nhóm lao động thuộc nhóm yếu thế trong xã hội.

Lặng lẽ ngồi ở cuối phòng đợi đến lượt nộp hồ sơ, bà Nguyễn Thị Nga (58 tuổi) ở Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ: “Người bình thường tìm việc đã khó, với những người khuyết tật như chúng tôi lại càng khó hơn. Chưa nói với những người cao tuổi như tôi. Hôm nay đến đây tôi mong sẽ tìm được một công việc nhẹ nhàng phù hợp với mình”.

Người khuyết tật có nhiều cơ hội tìm việc thông qua các phiên giao dịch việc làm. Ảnh: Lan Như.
Căn bệnh viêm màng não khiến cuộc sống của bà Nga bấp bênh, tay chân yếu ớt, đi đứng không vững. Mặc dù được Hội Người khuyết tật tạo mọi điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ nhưng hiện tại bà vẫn chưa thể tìm được công việc ổn định.

Theo ghi nhận của chúng tôi, ngày 26.11 tại TTDVVLHN có rất nhiều người đến để chờ được tư vấn hỗ trợ tìm việc. Mặc dù trung tâm đã bố trí 10 quầy giải quyết thủ tục, nhưng luôn có từ 20-30 người ngồi chờ đến lượt.

Hoàn cảnh tương tự bà Nga, bà Hoàng Thị Tú (huyện Thường Tín, Hà Nội) cũng gặp khó khăn trong quá trình tìm việc làm. “Bác sĩ nói tôi bệnh về trí tuệ, nếu không dùng thuốc thì đau nhức không thể làm gì được. Giờ có tuổi nên sức khỏe lại càng kém, tiền thuốc nhiều hơn cả tiền ăn”, bà Tú chia sẻ.

Theo bà Tú, gia cảnh bà rất neo đơn, vất vả, ngoài 50 tuổi nhưng không có con cái. Bà Tú sống chủ yếu nhờ vào nghề thêu, do ảnh hưởng đợt dịch COVID-19 vừa rồi, cơ sở nơi bà làm việc không có đơn hàng, không còn nguồn thu, buộc phải cắt giảm nhân sự.

Bị tật chỉ còn một cánh tay, anh Nguyễn Hữu Thư (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) mong muốn tìm được một công việc liên quan đến ngành cơ khí. Anh Thư trải lòng: “Tôi vốn có thâm niên trong nghề này khoảng 3 năm. Thế nhưng buộc phải nghỉ bởi dịch chưa lui bao lâu thì bùng phát trở lại khiến cửa tiệm không đủ chi phí tiếp tục hoạt động”.

Theo thống kê của TTDVVLHN, trong tháng 10.2020, số doanh nghiệp đóng cửa do dịch COVID-19 lên đến 9.972 doanh nghiệp. Đây là thách thức lớn cho các ngành chức năng cũng như người lao động tìm việc.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc TTDVVLHN cho biết: “Mặc dù chịu tác động mạnh của dịch Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng, những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đang dần được tháo gỡ, kinh tế từng bước được phục hồi”.

Từ "đối tượng ưu tiên" thành "đối tượng tiềm năng" nhờ sàn GDVL

Cũng theo đại diện TTDVVLHN, trong “Phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật năm 2020” diễn ra vào ngày 26.11 có đến 477 vị trí có nhu cầu tuyển dụng. Trong đó có 52 vị trí dành cho người lao động khuyết tật, tương ứng với hàng trăm cơ hội việc làm.

Các doanh nghiệp sử dụng lao động khuyết tật có những nét đặc thù riêng. Khi người lao động có nguyện vọng kết nối việc làm, về phía TTDVVLHN sẽ trang bị mạng lưới tư vấn giúp ứng viên dễ dàng tiếp cận doanh nghiệp. Đây là tín hiệu đáng mừng giúp người lao động vươn lên làm chủ cuộc sống.

Dù đến từ rất sớm thế nhưng vẫn có nhiều người ngồi đợi được tư vấn hỗ trợ tìm việc làm. Ảnh: Lan Như.
Hiện nay, ngày càng nhiều doanh nghiệp mong muốn tạo việc làm cho người khuyết tật. Cụ thể trong phiên giao dịch lần này, Công ty TNHH Thêu tranh ảnh cao cấp Hoàng Thị Khương, Công ty CP Bất động sản Bà Bảy, Cơ sở may cờ 3/12, Trung tâm Dạy nghề từ thiện nhân đạo Quỳnh Hoa,… là các đơn vị tiên phong mở ra hàng trăm vị trí giúp người lao động . Hầu hết các doanh nghiệp đều cam kết đào tạo, hỗ trợ hướng dẫn làm việc với người chưa có kinh nghiệm.

“Với sự chuẩn bị tốt của ban tổ chức sàn giao dịch việc làm, chúng ta có thể tin tưởng rằng nhóm người lao động yếu thế không còn là đối tượng ưu tiên mà là đối tượng đầy tiềm năng.” – Ông Thành nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn