MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân sử dụng xe buýt tại Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Hà Nội: Nỗ lực xóa các “vùng trắng buýt”

Phạm Nguyễn LDO | 14/07/2020 12:32
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 khiến hệ thống xe buýt Hà Nội phải điều chỉnh giảm dịch vụ và ngừng hoạt động hơn 1 tháng, sản lượng và doanh thu 6 tháng đầu năm giảm tương ứng là hơn 29% và hơn 42%. Tuy nhiên, trái với những gì đang diễn ra tại TPHCM, hệ thống xe buýt Hà Nội vẫn có những bước phát triển.

Xoá “vùng trắng buýt”

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Vũ Văn Viện, tính đến hết tháng 5.2020, mạng lưới xe buýt trên địa bàn thành phố gồm 126 tuyến, trong đó có 104 tuyến buýt có trợ giá; 8 tuyến buýt không trợ giá; 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City Tour.

Mạng lưới xe buýt đã tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã (đạt 100%); 453/579 xã, phường, thị trấn (đạt 78,2%); 65/75 bệnh viện (đạt 87%); 192/286 trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông (đạt 67%); 27/27 khu công nghiệp lớn (đạt 100%); 31/37 khu đô thị (đạt 83,8%).

Trong báo cáo sơ kết 6 tháng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty vận tải hành khách Hà Nội (Transeco) Nguyễn Thanh Nam đã nhấn mạnh đến những nỗ lực vượt khó trong suốt 6 tháng đầu năm của Tổng Công ty do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID- 19: Toàn bộ các lĩnh vực sản xuất kinh doanh đã phải ngừng hoạt động trong suốt thời gian giãn cách xã hội từ ngày 1.4.2020.

Mặc dù vậy, Tổng Công ty và các đơn vị trực thuộc đã cố gắng không để người lao động bị mất việc làm, thực hiện chi trả đầy đủ tiền lương đối với thời gian làm việc và hỗ trợ một phần thu nhập trong thời gian nghỉ việc do ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh. Do vậy, Tổng Công ty cũng đã đảm bảo duy trì và khôi phục lại hoạt động sản xuất ngay sau khi dừng thực hiện giãn cách xã hội, hoàn thành các nhiệm vụ của thành phố giao.

Hiện nay, Transerco là đơn vị tham gia quản lý vận hành trên 100 tuyến xe buýt tại thủ đô Hà Nội với hơn 1.000 phương tiện chất lượng cao, phục vụ hơn gần 50 triệu lượt khách vé lượt và cung cấp 1.4 triệu tem vé tháng mỗi năm. Transerco đã thực hiện xong nhiệm vụ xóa các “vùng trắng buýt” trên địa bàn 30 quận huyện của thành phố.

Mạng lưới các tuyến xe buýt đa dạng của Hanoibus mang đến nhiều lựa chọn cho khách hàng sử dụng: Các tuyến buýt nội đô, xuyên tâm; Các tuyến buýt kết nối: các trường đại học, bệnh viện, khu đô thị, các điểm du lịch xung quanh Hà Nội, các bến xe đầu mối, Tuyến buýt 86 và 68 từ trung tâm Hà Nội đi sân bay Nội Bài; Tuyến buýt hai tầng Citytour phục vụ khách du lịch; Tuyến buýt nhanh BRT…

Bên cạnh sự gia tăng mạnh mẽ về lượng, hệ thống xe buýt của Hà Nội cũng đã có những bước tiến ấn tượng về chất, hơn 50% phương tiện xe buýt của Transerco đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4. Đồng thời các tiện ích trên xe cũng liên tục được tăng cường, nhằm mang lại sự thuận tiện cho hành khách như: Hệ thống phát wifi miễn phí, hệ thống định vị GPS, hệ thống thông báo điểm dừng tự động, đèn led giúp dễ dàng nhận diện tuyến xe và lộ trình.

Ngoài ra, việc ra mắt phần mềm Timbus với chức năng thông báo thời gian xe đến, được cài đặt trên các điện thoại thông minh, đã giúp cho hành khách chủ động hơn trong việc sử dụng dịch vụ xe buýt.

Tiếp tục mở các tuyến mới

Ông Thái Hồ Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, thực hiện chính sách miễn phí sử dụng xe buýt cho người cao tuổi và hộ nghèo theo Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐND ngày 10.7.2019 của HĐND Thành phố Hà Nội, từ cuối năm 2019 và nửa đầu năm 2020, trên 330.000 thẻ miễn phí đã được cấp, tương ứng với 330.000 người không sử dụng vé tháng và vé lượt hằng ngày.

Với chính sách này, các đối tượng sử dụng thẻ miễn phí đã tăng trên 82 lần. Tuy nhiên, số lượng vé tháng quý IV/2019 cũng bị giảm gần 15% và doanh thu cũng giảm trên 10%.

Trong đại dịch COVID-19 đầu năm 2020, hệ thống xe buýt Hà Nội phải điều chỉnh giảm dịch vụ và ngừng hoạt động hơn 1 tháng, khiến sản lượng và doanh thu 6 tháng đầu năm giảm tương ứng là hơn 29% và hơn 42%.

Việc sụt giảm hành khách và doanh thu đang tạo nên áp lực tài chính đối với ngân sách, nhưng UBND thành phố và Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã kịp thời nắm bắt, chỉ đạo thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm duy trì hoạt động ổn định của mạng lưới. 

Cụ thể, Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm thực hiện ký hợp đồng, tạm ứng, thanh toán nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định đối với các doanh nghiệp vận tải. Đến nay, 104 tuyến buýt trợ giá đã được ký hợp đồng, tạm ứng, thanh toán đúng thời gian và giá trị theo hợp đồng đã ký kết.

Đối với các tuyến đấu thầu, sau khi ký hợp đồng, các doanh nghiệp đã được tạm ứng 30% giá trị hợp đồng năm, sau nghiệm thu hằng quý, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục được thanh toán thêm khoảng 15% giá trị hợp đồng.

Đối với các tuyến đặt hàng, sau khi ký hợp đồng, các doanh nghiệp được tạm ứng 30% giá trị hợp đồng quý, sau khi nghiệm thu hằng tháng và quý, các đơn vị tiếp tục được thanh toán thêm tối đa 80% giá trị hợp đồng…

Mới đây, Sở Giao thông Vận tải đã trình UBND Thành phố Hà Nội xem xét phê duyệt danh mục 30 tuyến buýt trợ giá mở mới trong năm 2020.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn