MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hệ thống hầm đi bộ tại Hà Nội chưa phát huy nhiều hiệu quả. Ảnh: Hoàng Vũ

Hà Nội phát triển không gian ngầm tại 4 quận: Phải có quy hoạch chi tiết, đồng bộ

ĐÌNH TRƯỜNG LDO | 27/03/2021 08:22

Với mục tiêu cải thiện hệ thống hạ tầng xã hội, phát triển không gian ngầm là nội dung đáng chú ý khi TP.Hà Nội công bố đồ án quy hoạch phân khu đô thị ở 4 quận nội đô. Các chuyên gia cho rằng, để định hướng này thực sự có hiệu quả, cần có những giải pháp, quy hoạch chi tiết và đồng bộ.

Không gian ngầm gắn với giao thông công cộng

Mới đây, TP.Hà Nội đã công bố 6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị: H1-1A, H1-1B, H1-1C, H1-2, H1-3, H1-4, tỉ lệ 1/2.000 tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng; với yêu cầu chính là kiểm soát dân số tại 4 quận, các đồ án nhằm mục tiêu giảm từ 1,2 triệu dân (năm 2009) xuống dự kiến còn 672.000 dân; đồng thời cải thiện hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật.

Theo đồ án, không gian nội đô lịch sử được xác định chủ yếu là công trình thấp tầng. Công trình cao tầng được bố trí dọc các tuyến đường vành đai, đường hướng tâm và các khu tái thiết đô thị. Với khu vực xây dựng công trình cao tầng, thành phố sẽ ưu tiên giảm mật độ xây dựng để bổ sung các tiện ích như cây xanh, bãi đỗ xe.

Đáng chú ý, theo đồ án được công bố, 4 quận trung tâm sẽ phát triển không gian ngầm theo mô hình TOD - phát triển đô thị gắn với hệ thống giao thông công cộng, gồm 5 tuyến đường sắt đô thị chạy qua và 22 nhà ga đã được quy hoạch trên địa bàn 4 quận.

Trong phạm vi 500m từ đầu mối ga ngầm, các đồ án đưa ra định hướng sử dụng tối đa chiều sâu để hình thành không gian công cộng ngầm tại khu vực hạn chế chiều cao công trình, giúp giảm mật độ xây dựng phần nổi; khuyến khích tạo lập tuyến đi bộ ngầm để kết nối các khu vực này. Để phát triển giao thông công cộng, thành phố cũng sẽ xây dựng 89 bãi đỗ xe, trong đó 38 bãi cao tầng và 51 bãi xe ngầm.

Đây không phải lần đầu tiên việc đẩy mạnh không gian ngầm được nhắc đến trong công tác quy hoạch. Từ năm 2007, một nghị định riêng về xây dựng ngầm đô thị đã được Chính phủ ban hành với hàng loạt định hướng, quy chuẩn và cả những hỗ trợ, ưu đãi trong xây dựng các công trình ngầm.

Và trên thực tế, tại Hà Nội đã có một số công trình ngầm được triển khai như hệ thống cấp thoát nước, dây cấp điện, đường đi bộ hay trung tâm thương mại được ngầm hóa. Tuy nhiên, hầu hết các công trình này mang tính cục bộ, chưa có sự liên kết để tạo nên không gian ngầm của cả đô thị và chưa phát huy được hiệu quả.

Trong số đó, điển hình nhất là hàng loạt hầm bộ hành như khu vực Ngã Tư Sở (Đống Đa) và dọc theo tuyến đường Vành đai 3 rơi vào trạng thái "chết lâm sàng", tồn tại nhưng không phát huy được công năng, bị bỏ hoang trong trạng thái nhếch nhác. Những lý do khiến người dân thủ đô không mặn mà với hệ thống hầm bộ hành được kể ra như chưa đặt đúng vị trí phù hợp, thuận tiện hay liên tục ở trong tình trạng xuống cấp, mất vệ sinh hoặc bị xâm lấn bởi các mục đích khác.

Muốn hiệu quả phải làm đồng bộ

Ngày 26.3, trao đổi với PV Báo Lao Động, TS Nguyễn Công Giang - Trưởng bộ môn Công trình ngầm (Đại học Kiến trúc Hà Nội) bày tỏ quan điểm ủng hộ về định hướng phát triển không gian ngầm tại 4 quận của Hà Nội. Theo đó, hệ thống này sẽ là biện pháp hiệu quả để giảm mật độ tập trung trên mặt đất, tránh áp lực quá tải lên cơ sở hạ tầng.

"Đây là một định hướng rất tốt và sẽ phát huy hiệu quả. Tôi chỉ lấy vài ví dụ thế này, khi xây dựng xong ga ngầm ở đường Trần Hưng Đạo (tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội), nếu như không có kết nối không gian ngầm, cứ 5 phút sẽ có khoảng 200 người đổ ra mặt đường. Không thể để như vậy được nên phải ngầm hóa để người dân đi lại. Hay như bãi xe ngầm ở Cung văn hóa Hữu nghị chuẩn bị tiến hành, khi người dân xe gửi xe xong, đi lại phía dưới, có hệ thống ngầm kết nối vào không gian ga ngầm trên đường Trần Hưng Đạo hay sang ga Hà Nội cũng sẽ rất thuận tiện, không bị mưa nắng gì cả" - TS Nguyễn Công Giang chỉ ra những lợi ích cụ thể khi phát triển hệ thống không gian ngầm.

Cũng liên quan đến vấn đề này, TS Trần Danh Lợi - Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật, Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội - cho rằng để triển khai nội dung phát triển không gian ngầm, TP.Hà Nội cần có quy hoạch chi tiết và cần đặc biệt chú trọng về các tiêu chuẩn kỹ thuật.

"Tôi cho rằng để phát triển không gian ngầm, Hà Nội cần phải có ngay quy hoạch chi tiết, rồi có thể kêu gọi xã hội hóa đầu tư. Sau đó, ngay lập tức, cơ quan chức năng cần có bộ phận nghiên cứu tất cả các thông số kỹ thuật ở không gian ngầm trên tinh thần đảm bảo thống nhất. Đó là các tiêu chuẩn các công trình thông gió, phòng cháy chữa cháy, an toàn giao thông, an toàn xây dựng,..." - TS Trần Danh Lợi cho biết.

Dù vậy, phân tích về tính hiệu quả của không gian ngầm, các nhà chuyên môn đều đồng tình ở quan điểm nên có quy hoạch và hướng triển khai các công trình, hạ tầng một cách đồng bộ. Những câu chuyện như hầm bộ hành bỏ hoang, các công trình riêng lẻ, cục bộ chính bởi xuất từ việc chưa có một quy hoạch mang tính rộng khắp, kết nối đủ lớn hình thành nên một mạng lưới không gian ngầm trong đô thị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn