MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hà Nội ra quân dẹp vỉa hè: Quyết tâm cao nhưng hiệu quả thấp

HỮU CHÁNH LDO | 19/02/2023 07:01

Thực tế, Hà Nội đã nhiều lần ra quân giành lại vỉa hè, lập lại trật tự đô thị, thế nhưng chỉ một thời gian ngắn, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè lại tái diễn. Do đó, để đạt được mục tiêu đã đề ra, Hà Nội cần phải làm quyết liệt, kiên trì, không để quyết tâm chỉ ở... trên bàn giấy.

Tái diễn việc lấn chiếm vỉa hè

Ghi nhận của Lao Động cho thấy, 5 ngày sau khi quận Hoàn Kiếm đồng loạt ra quân xử lý vi phạm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn diễn ra ngang nhiên, gây mất trật tự, lộn xộn, thiếu văn minh đô thị.

Vẫn còn hình ảnh hàng quán bán trà đá, đồ ăn nhanh ở phố đi bộ hồ Gươm; tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường ở các tuyến đường phố cổ cũng tràn lan... khiến người dân và du khách không có không gian thông thoáng để đi lại. 

Hàng quán ở phố đi bộ hồ Gươm. Ảnh: Hữu Chánh

Đơn cử tại phố Hàng Quạt, người dân tiếp tục bày hàng hóa tràn ra ngoài, chiếm gần hết vỉa hè, dù cho trước đó, lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm đã tiến hành nhắc nhở, xử lý những trường hợp vi phạm.

Người đi bộ phải đi dưới lòng đường. Ảnh: Hữu Chánh
Nhiều phương tiện dừng đỗ trên phố Tràng Thi. Ảnh: Hữu Chánh

Điều đáng nói, con phố này cũng là nơi đặt trụ sở Công an phường Hàng Gai, thế nhưng hoạt động lấn chiếm vỉa hè vẫn diễn ra ngang nhiên, trong khi không thấy có lực lượng chức năng tuần tra, xử lý.

Hàng quán tái diễn vi phạm sau khi bị xử lý. Ảnh: Hữu Chánh

Ngày 13.2, một số hàng quán đã bị lực lượng chức năng dỡ bỏ biển quảng cáo do vi phạm, nhưng đến hôm nay, biển quảng cáo mới đã xuất hiện, to và đẹp hơn.

Vào buổi tối và đêm, nhiều khu vực ở phố cổ dù được đặt tấm bảng với nội dung "cấm kinh doanh, buôn bán trên vỉa hè, lòng đường", thế nhưng nhiều bàn ghế vẫn được bày la liệt trên vỉa hè lẫn dưới lòng đường.

Không đánh trống bỏ dùi

Việc hàng quán "xẻ thịt" vỉa hè khu phố cổ khiến nhiều người dân và du khách cảm thấy rất phiền lòng vì không thể tìm kiếm được lối đi trên hè phố.

Điều đáng nói, thực trạng này xảy ra trong bối cảnh UBND quận Hoàn Kiếm vừa mở đợt cao điểm đảm bảo trật tự đô thị trên địa bàn bắt đầu từ ngày 13.2 vừa qua.

Một cửa hàng chiếm dụng vỉa hè trên phố Hàng Nón. Ảnh: Hữu Chánh

Trước phản ánh của báo chí, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm khẳng định 100% hàng quán kê bàn ghế để kinh doanh trên vỉa hè, lòng đường khu phố cổ là vi phạm trật tự đô thị và sẽ cho lực lượng chức năng kiểm tra.

Tuy nhiên đến nay, chính quyền vẫn chưa có bất cứ động thái xử lý nào, khiến vi phạm trật tự đô thị tại nhiều tuyến phố cổ vẫn diễn ra ngang nhiên và phức tạp hơn.

Nhiều cửa hàng kinh doanh tràn lan ở vỉa hè trên phố Hàng Quạt. Ảnh: Hữu Chánh 

Trao đổi với Lao Động, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, thực tế, Hà Nội đã nhiều lần hô hào ra quân giành lại vỉa hè, lập lại trật tự đô thị.

Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, khi phong trào lắng xuống, người dân lại tiếp tục lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán.

Theo ông Nghiêm, thành phố cần có các biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp không chấp hành quy định, lấn chiếm vỉa hè buôn bán, kinh doanh.

Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải chịu trách nhiệm khi để vi phạm này tái diễn.

Bàn ghế được để tràn lan trên vỉa hè. Ảnh: Hữu Chánh

"Hà Nội cần phải làm kiên quyết, kiên trì để đạt được mục đích, không bắt cóc bỏ dĩa, không đánh trống bỏ dùi và không để quyết tâm chỉ ở trên bàn giấy", ông Nghiêm nói.

Theo TS Phan Lê Bình, chuyên gia JICA, giảng viên Chương trình Thạc sĩ Kỹ thuật Hạ tầng - Trường Đại học Việt Nhật, chức năng của vỉa hè là dành cho người đi bộ. Tuy nhiên, cho đến nay việc quản lý, sử dụng vỉa hè không được chặt chẽ.

Nhiều đoạn vỉa hè bị chiếm dụng từ sáng đến đêm. Ảnh: Hữu Chánh

Vì vậy, vỉa hè nhiều tuyến phố bị lấn chiếm làm nơi đỗ xe, kinh doanh buôn bán, mất đi diện tích dành cho người đi bộ.

TS. Phan Lê Bình nêu nguyện vọng chính quyền các cấp của TP Hà Nội đưa vỉa hè về đúng chức năng, nhiệm vụ của nó là phục vụ người đi bộ.

“Nếu làm tốt công tác quản lý Nhà nước thì sẽ lấy lại vỉa hè cho người đi bộ. Bởi không ai có ‘sổ đỏ’ trên vỉa hè nên Nhà nước có toàn quyền đảm bảo vỉa hè được sử dụng cho mục đích gì”, ông Bình nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn