MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tuyến đường dự kiến đặt tên cho phố Hoàng Quán Chi. Ảnh: Phạm Đông

Hà Nội sắp có 2 tuyến phố mới Nguyễn Vĩnh Bảo và Hoàng Quán Chi

PHẠM ĐÔNG LDO | 06/10/2022 11:13
Sáng 6.10, UBND phường Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) đã tổ chức buổi họp triển khai lấy ý kiến thống nhất của cộng đồng dân cư trên các tuyến phố dự kiến đặt tên, điều chỉnh độ dài năm 2022.

Tuyến phố được dự kiến đặt tên gồm có phố Hoàng Quán Chi cho đoạn từ ngã tư giao phố Thọ Tháp (cạnh Trường tiểu học Kidsmart) đến ngã tư giao dự án đấu nối hạ tầng kỹ thuật ô đất E2 đô thị mới Cầu Giấy tại tòa nhà Green Park CT1-CT2.

Tuyến phố dự kiến dài: 1.180m; rộng 25-29m (lòng đường: 15m, vỉa hè mỗi bên từ 5-7m). Đường thảm nhựa asphan, có vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng.

Đường thuộc địa bàn các phường Yên Hòa, Dịch Vọng, đi qua Công viên Cầu Giấy, Trường mầm non VietKids, Trụ sở Báo Lao Động, Tập đoàn Viettel, tòa nhà PVI, Viện huyết học truyền máu TƯ, Thanh tra Chính phủ.

Hoàng Quán Chi là người làng Cót, tên Nôm của hai làng: Thượng và Hạ Yên Quyết, hữu ngạn sông Tô Lịch (thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy).

Hoàng Quán Chi đỗ Thái Học Sinh, khoa thi năm Quý Dậu, đời vua Trần Thuận Tông, niên hiệu Quang Thái thứ 6 (1393), là người khai khoa (mở đầu) của huyện Từ Liêm xưa, đặt nền móng cho làng khoa bảng của vùng đất tứ danh hương Mỗ - La - Canh - Cót. Cụ làm quan đến chức Thượng thư thẩm binh viện, khi mất được tặng Lễ Bộ Thượng thư.

Sách “Từ Liêm đăng khoa lục” cũng ghi tiến sĩ của Từ Liêm xưa bắt đầu từ cụ Hoàng Quán Chi, là người đỗ đại khoa mở đầu cho huyện.

Hiện nay, trên địa bàn phường Yên Hòa vẫn có nhà thờ dòng họ Hoàng, hàng năm các thế tôn họ Hoàng vẫn long trọng tổ chức lễ kỷ niệm ngày cụ Thái tổ Hoàng Quán Chi khai khoa.

Chính quyền và nhân dân địa phương mong muốn đặt tên tuyến đường mang tên cụ trên địa bàn phường để tưởng nhớ công đức của người đã đặt nền móng cho làng khoa bảng của vùng đất tứ danh hương Mỗ - La - Canh - Cót. Qua đó góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản truyền thống của địa phương nói riêng, Thăng Long - Hà Nội nói chung.

Buổi họp lấy ý kiến sáng 6.10.

Tuyến phố dự kiến thứ 2 là Nguyễn Vĩnh Bảo cho đoạn từ ngã tư giao cắt phố Nguyễn Bá Khoản, đối diện ngõ 99 Nguyễn Khang (cạnh số 15 lô 4E) đến ngã ba giao cắt tại TDP26 - phường Trung Hòa. Dài: 570m; rộng 11,5m (lòng đường: 7,5m, vỉa hè mỗi bên 2m) Đường thảm nhựa asphan, có vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng.

Đường thuộc địa bàn phường Trung Hòa, đi qua công viên Trung Yên số 2; Trường liên cấp Archimedes. Dân cư sinh sống ổn định 47 hộ với 190 nhân khẩu, có nhiều ý kiến cử tri đề xuất.

Ông Nguyễn Vĩnh Bảo (1936-1967), sinh ngày 31.5.1936, tại Hưng Yên, tham gia Kháng chiến chống Pháp từ tháng 2.1947, trong Đoàn thiếu nhi nghệ thuật ở Chiến khu Việt Bắc với bí danh Nguyễn Hy Sinh. Năm 1953, gia nhập Công ty chiếu bóng Việt Nam tại Đồi Cọ, Định Hóa, Thái Nguyên. Năm 1957, được cử đi học Trường Âm nhạc VN.

Năm 1961, ông được tuyển chọn sang học tại Nhạc viện Kiev-Ukraina; cuối năm 1964, ông về nước, công tác tại Vụ Âm nhạc và múa - Bộ Văn hóa. Cuối năm 1965, ông xung phong vào chiến trường miền Nam (đi B) với biệt danh Bảo Vinh, vượt Trường Sơn vào căn cứ Tây Ninh, làm nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện cho Đoàn Văn công Giải phóng.

Sau đó, ông Nguyễn Vĩnh Bảo xin vào công tác tại đất thép Củ Chi. Ông hy sinh ngày 4.6.1967, sau khi hoàn thành chuyến công tác dài ngày, đang trên đường trở về căn cứ để nhận nhiệm vụ mới: Phụ trách Đoàn ca múa Giải phóng.

31 tuổi đời, ông đã có 16 năm tuổi Đoàn, 7 năm tuổi Đảng, hơn 20 năm phục vụ cách mạng, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng 3.

Ông là Hội viên Hội nhạc sĩ Việt nam từ năm 1960. Năm 2014, ông được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn