MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sẽ chỉ định thầu doanh nghiệp thay thế 5 buýt của Cty TNHH Bắc Hà. Ảnh: GT

Hà Nội sẽ chỉ định thầu doanh nghiệp thay thế buýt Bắc Hà

Đặng Tiến LDO | 11/07/2022 13:13

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội vừa đề xuất 2 phương án xử lý việc Công ty TNHH Bắc Hà đề nghị dừng khai thác hợp đồng đấu thầu đối với 5 tuyến buýt có trợ giá. Một số chuyên gia cho rằng, Hà Nội nên triển khai xe buýt điện, xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (CNG) không phát khí thải, không gây ô nhiễm tiếng ồn.

Lựa chọn chỉ định thầu đơn vị thay thế

Theo ông Đào Việt Long - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - việc Công ty Bắc Hà đề nghị dừng khai thác hợp đồng thầu đối với 5 tuyến buýt (số 41, 42, 43, 44, 45) là trường hợp chưa có tiền lệ. Do đó, cần phải có giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, hợp đồng đã ký kết cũng như duy trì hoạt động của các tuyến buýt nhằm tránh xáo trộn và có giải pháp hài hòa ổn định cuộc sống cho người lao động khi đơn vị dừng hoạt động.

Cũng theo ông Long, Sở GTVT đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng làm việc trực tiếp với doanh nghiệp (DN) để rà soát, làm rõ các vấn đề liên quan để giải pháp xử lý.

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho rằng, DN dừng hoạt động 5 tuyến buýt là do đơn vị này không còn năng lực để tiếp tục triển khai thực hiện.

“Việc DN đơn phương chấm dứt hợp đồng, trong khi thời gian hợp đồng còn hiệu lực là vi phạm hợp đồng đã ký” - ông Long cho hay.

Hiện nay trên địa bàn thành phố đang có 10 đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Việc xem xét lựa chọn một số đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng có đủ năng lực thực hiện phần công việc còn lại là rất thuận lợi và có tính khả thi cao.

Sau khi tính toán, Sở GTVT Hà Nội đề xuất 2 phương án xử lý, cụ thể: Phương án 1, chấm dứt hợp đồng với Công ty Bắc Hà và chỉ định thầu cho đơn vị thay thế có đủ có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu thực hiện phần công việc còn lại của gói thầu để tiếp tục khai thác vận hành 5 tuyến buýt.

Đối với Phương án 2, sẽ tạm dừng khai thác đối với 5 tuyến buýt để rà soát, tính toán lại dự toán, chi phí, thiết kế tuyến để hình thành gói thầu mới, làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định.

Đại diện Sở GTVT cho hay, phương án 1 khả thi vì sẽ lựa chọn được ngay nhà thầu để thực hiện khối lượng còn lại, duy trì liên tục hoạt động của các tuyến buýt, không gây xáo trộn về hoạt động đi lại của người dân, thuận lợi cho việc đàm phán, tiếp nhận, kế thừa khoảng 200 người lao động có khả năng mất việc làm đối với đơn vị được chỉ định thay thế. Tuy nhiên, nhà thầu được lựa chọn thay thế thực hiện có ít thời gian để chuẩn bị các điều kiện đáp ứng yêu cầu về phương tiện, nhân lực thực hiện.

Tại sao không thay thế bằng xe điện?

Liên quan đến đề xuất của Sở GTVT Hà Nội, TS Phan Lê Bình (chuyên gia giao thông) cho rằng, với phương án 1, việc đi lại của hành khách sẽ không bị ảnh hưởng, gián đoạn.

Việc làm và đời sống của hơn 200 lao động đang làm việc Công ty Bắc Hà sẽ không bị ảnh hưởng vì đơn vị mới vào quản lý, khai thác sẽ tận dụng số lao động này luôn để khai thác có hiệu quả loạt tuyến. Do đó, đây là phương án khả thi và phù hợp nhất.

Tuy nhiên, việc lựa chọn đơn vị khai thác phải được tính toán kỹ, lựa chọn DN phải có năng lực tài chính đủ mạnh, kinh nghiệm khai khác về vận tải khách công cộng.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Trọng Thông - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hành khách công cộng Hà Nội (HAPTA) - cũng đánh giá cao phương án 1, đồng thời cho rằng, nếu so sánh các đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Hà Nội thì Tổng Công ty Vận tải Hà Nội là đơn vị có nhiều năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực này và có thể đáp ứng được các yêu cầu khi chỉ định thầu.

Tuy nhiên một số chuyên gia giao thông cũng cho hay, sau một thời gian đưa vào khai thác, các tuyến xe buýt điện, xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (CNG) đã được người dùng của thủ đô đánh giá cao.

Đây cũng là những dòng phương tiện sử dụng năng lượng sạch, không phát khí thải, không gây ô nhiễm tiếng ồn, di chuyển êm ái mang lại cho hành khách sự thoải mái.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện việc đặt hàng các tuyến buýt điện trên địa bàn TP.Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thực hiện thí điểm trong thời gian một năm. Hơn nữa việc sản xuất số lượng xe buýt điện đảm bảo tuyến khó đạt được về mặt thời gian để có thể đưa vào khai thác vận hành theo phương án vận hành.

Cùng với đó, xe buýt CNG phải thực hiện hình thức đấu thầu vì đã có định mức, đơn giá CNG khác với định mức đơn giá (diezel) của 5 tuyến buýt đang vận hành.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn