MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hà Nội siết chặt an toàn thực phẩm ở chợ dân sinh. Ảnh: Thu Giang

Hà Nội siết chặt an toàn thực phẩm ở chợ dân sinh dịp cuối năm

THU GIANG LDO | 28/12/2023 08:20

Việc kiểm soát an toàn thực phẩm, vấn đề nguồn gốc xuất xứ hàng hóa tại chợ truyền thống đang được UBND TP Hà Nội đặc biệt quan tâm, triển khai một loạt các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng dịp cuối năm.

Nỗi lo thực phẩm bẩn

Theo chị Lê Thị Hòa (Khương Trung, TP Hà Nội), việc thành phố sẽ kiểm soát chặt nguồn gốc xuất xứ hàng hóa giúp nhiều người tiêu dùng như chị cảm thấy an tâm hơn. "Dù thường xuyên mua sắm thực phẩm ở chợ truyền thống, tuy nhiên gần đây, các mặt hàng như nấm hương, măng khô, gia vị... được đóng gói trong túi nylon không nhãn mác, không tên công ty, hạn sử dụng đang được bán tràn lan khiến tôi khá lo lắng" - chị Hòa nói.

Cuối tháng 10.2023, UBND quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã tổ chức cấp biển nhận diện cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn, đáp ứng điều kiện an toàn thực phẩm theo đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2022-2025”, đợt 2 năm 2023.

Ông Doãn Đức Bảo - Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Hai Bà Trưng thông tin, UBND quận đã chỉ đạo các phường có chợ, ban quản lý chợ triển khai phiếu khảo sát 409 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ theo biểu mẫu của Sở Công Thương, yêu cầu các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ ký cam kết, thường xuyên kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm định kỳ, đột xuất thực phẩm trong chợ nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân.

Siết chặt quản lý an toàn thực phẩm cuối năm

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 295/KH-UBND về việc đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân năm 2024. Theo đó, UBND TP Hà Nội sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra kiểm soát an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng thực phẩm, đảm bảo tốt công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân. Qua đó, nâng cao trách nhiệm trong công tác chỉ đạo quản lý an toàn thực phẩm của các cấp, các ngành.

Ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - nhận định, hiện tại TP Hà Nội có 425 chợ cung cấp các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, trong đó hơn 19.300 hộ thuộc phạm vi đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2022-2025”.

Đến nay, 1.606 cơ sở kinh doanh thực phẩm trong chợ tại 9 quận/huyện đã được cấp biển nhận diện cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn. Trong đó, quận Hai Bà Trưng có 186 biển, là một trong những quận có số cơ sở sản xuất, kinh doanh được cấp biển nhiều nhất tại TP Hà Nội, do UBND quận đã chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tích cực triển khai thực hiện đề án quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ tại TP Hà Nội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn