MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hà Nội ban hành danh mục 1.216 nhà biệt thự cũ xây dựng từ trước năm 1954. Ảnh: Vương Trần

Hà Nội siết chặt quản lý hơn 1.200 biệt thự xây dựng trước năm 1954

PHẠM ĐÔNG LDO | 03/06/2022 14:42

Hà Nội - Theo danh mục nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954, Ba Đình là quận có số lượng biệt thự cũ Nhóm 1 nhiều nhất với 111 biệt thự, tiếp đến là quận Hoàn Kiếm có 87 biệt thự Nhóm 1.

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định 1845/QĐ-UBND danh mục nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, thay thế Quyết định số 7177/QĐ-UBND ngày 28.11.2013 của UBND thành phố.

Ban hành kèm theo Quyết định này gồm danh mục 1.216 nhà biệt thự cũ, được chia làm 3 nhóm: Nhóm 1 có 222 biệt thự; Nhóm 2 có 356 biệt thự và Nhóm 3 có 638 biệt thự, thuộc đối tượng quản lý theo Quy chế quản lý, sử dụng biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, theo danh mục 222 biệt thự xếp Nhóm 1, quận Ba Đình có số lượng biệt thự nhiều nhất với 111 biệt thự; quận Hoàn Kiếm có 87 biệt thự; quận Tây Hồ có 3 biệt thự.

Trong số 356 biệt thự xếp Nhóm 2, quận Hoàn Kiếm có 159 biệt thự; quận Ba Đình có 112 biệt thự; quận Hai Bà Trưng có 78 biệt thự; quận Tây Hồ có 4 biệt thự; quận Đống Đa có 3 biệt thự.

Với 638 biệt thự xếp Nhóm 3, quận Hoàn Kiếm có 237 biệt thự; quận Ba Đình có 216 biệt thự; quận Hai Bà Trưng có 166 biệt thự; quận Đống Đa có 13 biệt thự; quận Tây Hồ có 6 biệt thự.

Theo Quy chế quản lý, sử dụng biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn thành phố, tất cả các nhà biệt thự thuộc danh mục quản lý (bao gồm cả biệt thự thuộc sở hữu của Nhà nước, của các tổ chức, của hộ gia đình, cá nhân) không được tự ý phá dỡ.

Trường hợp biệt thự Nhóm 1 và Nhóm 2 bị hư hỏng nặng, xuống cấp, có nguy cơ sập đổ, đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình xây dựng và phải được Sở Xây dựng kiểm tra, báo cáo UBND thành phố và HĐND thành phố (đối với biệt thự Nhóm 1).

Đối với biệt thự Nhóm 2, cho phép phá dỡ, xây dựng lại theo kiểu dáng kiến trúc, quy hoạch của nhà biệt thự cũ (mật độ xây dựng, số tầng, độ cao).

Trường hợp biệt thự Nhóm 3 bị hư hỏng nặng, xuống cấp hoặc có nguy cơ sập đổ đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình xây dựng, Sở Xây dựng, UBND quận kiểm tra, báo cáo UBND thành phố cho phép mới được phá dỡ nhà biệt thự.

Công trình xây dựng lại trên khuôn viên đất phải là nhà thấp tầng, phù hợp với quy hoạch, kiến trúc được phê duyệt...

Trước đó, tại cuộc họp báo chiều 19.4, ông Trương Việt Dũng, người phát ngôn UBND TP Hà Nội, cho biết được sự đồng ý của Thường trực Thành ủy, UBND TP Hà Nội quyết định tạm dừng việc bán 600 biệt thự cũ để rà soát tổng thể, báo cáo chi tiết các cấp có thẩm quyền.

"Sau khi có kết quả rà soát, thành phố sẽ công bố thông tin, bao gồm cả vấn đề về việc quản lý quỹ nhà biệt thự còn trống, các biện pháp quản lý, bảo tồn...", ông Dũng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn