MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quận Tây Hồ thay thế hàng nhãn bằng cây giáng hương ở phố đi bộ Trịnh Công Sơn. Ảnh: Hữu Chánh

Hà Nội: Thay thế hàng nhãn bằng cây giáng hương ở phố đi bộ Trịnh Công Sơn

HỮU CHÁNH LDO | 20/04/2023 16:54

Hà Nội - Quận Tây Hồ đang di dời hàng cây nhãn già cỗi, cong, nghiêng ở phố đi bộ Trịnh Công Sơn và trồng thay thế bằng cây giáng hương.

Theo ghi nhận của Lao Động, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Tây Hồ hiện đang tiến hành di chuyển các cây xanh không thuộc danh mục cây xanh đô thị và trồng thay thế gần 50 cây giáng hương tại phố Vũ Tuấn Chiêu (thuộc không gian đi bộ Trịnh Công Sơn).

Trong đó, hầu hết cây không nằm trong danh mục cây xanh đô thị, cây cong, nghiêng không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, đặc biệt là cây nhãn.

 Không gian đi bộ Trịnh Công Sơn. Ảnh: Hữu Chánh
Cây giáng hương được trồng trong không gian đi bộ Trịnh Công Sơn. Ảnh: Hữu Chánh

Các cây nhãn trong khu vực được trồng cách đây khoảng hơn 20 năm, hiện già cỗi, cây có đường kính thân từ 30 - 55 cm, chiều cao từ 5 - 8 m, khoảng cách giữa các cây 4 - 6 m, cây cong, nghiêng, rễ cây nổi qua thời gian gây bong bật, hư hỏng bồn cây, gạch lát vỉa hè…

Chị Nguyễn Thị Minh (32 tuổi, phường Nhật Tân) cho biết, đường Vũ Tuấn Chiêu trước đây được người dân quen gọi là đường rặng nhãn. Những hàng cây trên tuyến đường này đã gắn liền với tuổi thơ của không ít người dân trong khu vực nên khi phải di chuyển, nhiều người không khỏi tiếc nuối.

Tuy nhiên, theo chị Minh, việc thay thế đúng chủng loại cây đô thị là điều cần thiết, không chỉ tạo cảnh quan, bóng mát mà còn đảm bảo an toàn.

"Những cây nhãn này đã già cỗi, cành cây giòn, dễ gãy, có thể gây nguy hiểm cho người đi đường, đặc biệt là khi mùa mưa bão sắp về" - chị Minh nói.

Cây giáng hương được trồng nhiều ở các đô thị. ảnh: Hữu Chánh

Việc trồng cây giáng hương thay thế được người dân ủng hộ. Tuy nhiên, một số người dân cho rằng, đơn vị đánh chuyển cây đã cưa quá nhiều cành, khiến cây giáng hương trơ trụi, khó tạo tán rộng sau này.

"Trồng ở đây là phù hợp, nhưng còn mỗi thân cây như thế thì phải rất lâu, tán cây mới phát triển được. Mùa hè ở Hà Nội rất nắng và oi bức, người dân cần có bóng mát để nghỉ ngơi" - bà Nguyễn Thị Tình (57 tuổi, phường Nhật Tân, Tây Hồ) nói.

Hàng cây còn lại dự kiến sẽ được thay thế trong tuần tới. Ảnh: Hữu Chánh

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng quận Tây Hồ cho biết, trên tuyến phố Vũ Tuấn Chiêu có 54 cây chủng loại là nhãn, bàng, cây keo, dướng,... không đảm bảo chủng cây đô thị hoặc cây cong nghiêng, già cỗi ảnh hướng đến cảnh quan đô thị. 

Chính vì vậy, Sở Xây dựng đã thống nhất với UBND quận Tây Hồ báo cáo với thành phố cho di chuyển những cây cong vênh, già cỗi, không đúng chủng loại cây đô thị này về nút giao Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh) và trồng mới hàng cây giáng hương.

"Việc trồng cây mới, chúng tôi sẽ căn cứ vào khoảng cách, mặt bằng hiện có, đối chiếu với hàng cây bên trái đã trồng để tạo được cảnh quan trên toàn tuyến phố Vũ Tuấn Chiêu đúng cây chủng loại đô thị, trồng đẹp và phát huy giá trị cảnh quan cây xanh, đóng góp cho tuyến phố đi bộ quận Tây Hồ" - ông Tuấn nói.

Để bảo vệ cây trồng mới, tránh bị đổ... đơn vị quản lý đã tiến hành lắp khung, giá đỡ cho cây. Ảnh: Hữu Chánh

Trên vỉa hè phố Vũ Tuấn Chiêu (đoạn từ nút giao ngõ 612 Lạc Long Quân đến nút giao ngõ 6 Trịnh Công Sơn) có tổng cộng 75 cây, gồm: 20 cây giáng hương, 40 cây nhãn, 8 cây keo, 4 cây chiêu liêu, 2 cây bàng và 1 cây dướng.

Theo kế hoạch, quận Tây Hồ di chuyển 54 cây xanh gồm: 40 cây nhãn, 8 cây keo, 4 cây chiêu liêu, 2 cây bàng và chặt hạ 1 cây dướng, giữ nguyên 20 cây giáng hương có sẵn trên phố Vũ Tuấn Chiêu.

Hàng loạt cây giáng hương đã được trồng tạo thành hàng thẳng tắp. Ảnh: Hữu Chánh
Dự kiến đến cuối tháng 4 hoàn thành việc trồng cây mới tại không gian đi bộ Trịnh Công Sơn. Ảnh: Hữu Chánh

Dự kiến việc di chuyển cây xanh cũ và trồng cây mới sẽ hoàn thành trong tháng 4.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn