MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chợ bị phá dỡ, tiểu thương phải bán hàng "dưới những cơn mưa". Ảnh: PV.

Hà Nội: Tiểu thương đứng ngồi không yên khi chợ mới chưa có, chợ cũ bị dỡ

HỮU CHÁNH LDO | 24/07/2022 16:15

Hà Nội - Khu chợ Gia Thụy (Long Biên) đã tồn tại, gắn với đời sống của người dân địa phương gần 15 năm nay, đến nay khu chợ bất ngờ bị phá bỏ khi chưa có phương án xây dựng chợ mới.

Phá chợ cũ khi chưa có chợ mới

Kinh doanh buôn bán ở chợ Gia Thụy (phường Gia Thụy, quận Long Biên) đến nay đã gần 15 năm, chị Nguyễn Thị Nhâm (50 tuổi, Gia Thụy, Long Biên) không khỏi tiếc nuối khi khu chợ đã gắn bó ngần ấy năm với chị và người dân địa phương nay đã bị phá dỡ. 

"Làng Gia Thụy xưa nay là làng nông nghiệp và thu nhập chính cũng từ nông nghiệp. Từ đường Nguyễn Sơn tới đây chỉ có duy nhất mỗi chợ này để cho tiểu thương, bà con địa phương buôn bán", chị Nhâm nói.

Chị Nguyễn Thị Nhâm không khỏi tiếc nuối khi khu chợ Gia Thụy bị phá dỡ. Ảnh: Hữu Chánh.

Theo chị Nhâm, sau khi khu chợ bị phá dỡ, các tiểu thương rơi vào cảnh khốn khổ. Mưa to gió lớn hay trời nắng chang chang, họ vẫn phải che tạm những tấm mành để ngồi bán buôn, nuôi sống gia đình.

Khu chợ này là nơi hàng nghìn hộ dân thuộc nhiều tổ dân phố trên địa bàn phường Gia Thụy đến để mua lương thực, thực phẩm. Những người dân, đặc biệt là người già sống xung quanh cho biết, họ đã rất bất ngờ khi chợ bị phá dỡ.

Cơn mưa kèm theo gió lớn trong sáng 21.7 đã làm người dân phải chống đỡ rất vất vả. Ảnh: Hữu Chánh.

"Người dân phải ngồi từ đầu đến cuối chợ để kiếm kế sinh nhai để nuôi bố mẹ già, nuôi con ăn học. Bây giờ có cái chợ đây mà lại bị phá dỡ, trong khi chợ mới chưa có phương án xây dựng", bà Trịnh Thị Hảo (83 tuổi, phường Gia Thụy, Long Biên) bộc bạch.

Chia sẻ với phóng viên, bà Hảo cho hay, do con cái đi làm xa, các cháu đi học, cho nên người đi chợ phần lớn là người già. Giờ phá dỡ chợ thì người già không thể đi xa để mua mớ rau hay quả trứng.

Các hộ tiểu thương tạm phải căng bạt để che mưa, che nắng. 

Trước đó, khi biết tin chợ sẽ bị phá dỡ để làm dự án mở đường, các tiểu thương ở khu chợ này đã làm đơn kiến nghị lên UBND phường Gia Thụy và quận Long Biên. Nhưng trong lúc chờ được giải quyết, việc phá dỡ đã được triển khai.

“Sáng thứ 5 tuần trước, tiểu thương chúng tôi đã ra phường, lãnh đạo phường thông báo chiều thứ 7 sẽ có cuộc họp ở quận về đối chất người người dân ngay tại chợ Gia Thụy. Tuy nhiên đến buổi chiều hôm ấy, người ta đã vào đây và phá dỡ chợ”, bà Nguyễn Thị Liễu (69 tuổi, Tổ dân phố 13, phường Gia Thụy, Long Biên) cho biết.

 Khu vực đất đá ngổn ngang, vẫn chưa được dọn dẹp hết.

Ghi nhận của PV Lao Động, khu chợ Gia Thụy nay chỉ còn mảnh đất trống, có những đoạn đất đá ngổn ngang chưa được dọn dẹp.

Dù chợ đã bị phá dỡ, nhưng các tiểu thương hàng ngày vẫn đến buôn bán do chưa có chợ mới thay thế.

Bố trí đất làm chợ nhưng chưa giải phóng xong mặt bằng

Đại diện UBND quận Long Biên và phường Gia Thụy cho biết, để tạo điều kiện cho bà con kinh doanh buôn bán thuận lợi, tránh lấn chiếm vỉa hè, năm 2008 UBND quận Long Biên đã lấy tạm khu đất nằm trong quy hoạch mở đường trong khu dân cư để làm chợ tạm. Công ty Cổ phần Trọng Nghĩa đầu tư xây dựng và vận hành chợ.

Chợ Gia Thụy bị phá dỡ từ ngày 14.7. Ảnh: Hữu Chánh.

Đến nay, dự án làm đường bắt đầu triển khai nên Công ty Trọng Nghĩa phải tự phá dỡ chợ cũ, trả lại mặt bằng cho dự án.

Hiện trên bản đồ quy hoạch, phường Gia Thụy cũng đã được bố trí gần 4.000 m2 quy hoạch là khu chợ dân sinh nhưng đến nay vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng nên chưa có chỗ để chuyển chợ tạm về.

“Hiện nay trên địa bàn phường Gia Thụy không còn quỹ đất phù hợp để bố trí điểm kinh doanh tạm”, ông Đặng Việt Phương, Chủ tịch UBND phường Gia Thụy nói.

Các hộ tiểu thương chủ yếu là người địa phương, đã buôn bán ở đây nhiều năm nay.

Ông Dương Đình Tùng, Trưởng phòng Kinh tế UBND quận Long Biên - cho biết, Phòng Kinh tế UBND quận và UBND phường Gia Thụy đang triển khai rà soát tất cả các chợ lân cận xung quanh đây và thống nhất với các chủ chợ, bố trí đầy đủ tất cả các vị trí cho các hộ tiểu thương khi các hộ tiểu thương có nhu cầu vào các điểm chợ mới.

Đồng thời yêu cầu đơn vị chủ chợ miễn giảm 6 tháng tiền lệ phí vào chợ cho các hộ tiểu thương.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, bà con phường Gia Thụy cho biết, trong khi chợ mới chưa có mặt bằng xây dựng, chợ cũ đã bị dỡ bỏ, họ chỉ mong muốn sớm có mặt bằng khác làm chợ tạm để ổn định đời sống, kinh doanh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn