MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Điểm khai báo tạm trú, tạm vắng phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy). Ảnh: T.V

Hà Nội tổng kiểm tra hộ khẩu từ 1.10: Rà soát, quản lý chặt tạm trú, tạm vắng

VƯƠNG TRẦN LDO | 30/09/2017 07:30
Theo quy định, những người thuê trọ trong vòng 30 ngày phải làm thủ tục khai báo tạm trú với công an sở tại. Tuy nhiên, thực tế khá nhiều trường hợp không thực hiện đăng ký, việc quản lý người tạm trú, tạm vắng cũng còn khá lỏng lẻo. Việc Hà Nội tổng kiểm tra hộ khẩu từ 1.10.2017 sẽ góp phần quản lý dân cư, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Quản lý tạm trú, tạm vắng: Còn lỏng lẻo

Theo khảo sát của PV Lao Động, tại các khu vực Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông… có khá nhiều trường Đại học như ĐH Sư phạm Hà Nội, Học viện Báo chí & Tuyên truyền, ĐH Giao thông Vận tải, ĐH Kiến Trúc… Theo đó, những khu vực lân cận như Dịch Vọng, Dịch Vọng Hậu, Phùng Khoang, Xuân Đỉnh, Mỹ Đình, Cổ Nhuế, làng Phú Đô… có khá nhiều khu trọ dành cho sinh viên, người lao động.

Tìm vào con ngõ 20 đường Mỹ Đình (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm), trong căn nhà trên tầng 2, dãy nhà trọ có 3 tầng của mình anh Lê Văn H. cho hay: “Khu vực này các phòng hầu như cũng đã kín hết phòng. Mỗi phòng rộng chừng 15m2. Hầu hết đều ở ghép 2, 3 người trở lên. Còn việc khai báo tạm trú từ khi chuyển về đây ở đến nay cũng không thấy lực lượng công an đến kiểm tra thường xuyên. Hầu hết những người trọ ở đây nếu không có việc gì thì cũng ít khi đi khai báo tạm trú tạm vắng”.

Còn chị Nguyễn Thị Vân (24 tuổi, trong khu trọ tại làng Phùng Khoang, Nam Từ Liêm) cũng cho hay, trước đây khi là sinh viên cũng có ở trọ nhiều nơi như: Cổ Nhuế, Phạm Văn Đồng... nhưng các sinh viên ít khi đi đăng ký khai báo tạm trú, tạm vắng. Lực lượng công an khu vực cũng ít khi đi kiểm tra. Nhiều người đi làm lao động tự do cũng hầu như không thực hiện việc này.

“Một phần vì những người thuê trọ mang tính chất tạm bợ, cũng hay di chuyển chỗ trọ nên không đăng ký. Một phần vì thủ tục đăng ký tạm trú, tạm vắng hiện nay còn cần nhiều giấy tờ như phiếu xác minh hai chiều, hợp đồng làm việc, thuê nhà… mất nhiều thời gian nên không đi đăng ký. Thực tế các khu nhà trọ có rất đông người nên lực lượng quản lý cũng không thể nắm hết được” - chị Vân nói.

Theo luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), theo Luật Cư trú, những người thuê trọ trong vòng 30 ngày phải làm thủ tục khai báo tạm trú với công an sở tại. Mặt khác cơ quan công an cũng cần phải nắm được tình hình dân cư nhằm đảm bảo tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội. Nếu không quản lý được tình hình dân cư, cư trú có thể dẫn tới những hệ lụy rất nguy hiểm. Ví dụ như có những đối tượng lạ mặt, đối tượng trộm cắp… có thể ảnh hưởng tới những người trong khu vực. Hoặc những vấn đề khác như vấn đề dân số, chất lượng cuộc sống…

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng hiện thủ tục khai báo và đăng ký tạm trú, tạm vắng còn khiến họ phải mất nhiều thời gian để chuẩn bị các giấy tờ có liên quan nên nhiều người còn e ngại trong việc đi đăng ký. Mặt khác nhiều người không ngụ cư cố định trong thời gian dài mà do tính chất công việc “nay đây, mai đó” nên đã không thực hiện các thủ tục này. Còn những loại giấy tờ “rườm rà” như cần phải có phiếu xác minh hai chiều (có xác nhận của chính quyền địa phương nơi đăng ký thường trú), các loại hợp đồng… khiến người dân phiền hà trong thủ tục hành chính.

Khu nhà trọ ở quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: T.C.A

Tổng kiểm tra nhân khẩu để phòng chống tội phạm?

Trao đổi với PV Lao Động, một cán bộ Sở Tư Pháp Hà Nội cho hay: Hiện nay, một số thủ tục trong lĩnh vực hộ tịch, tư pháp, khai sinh, khai tử… đang được các cơ quan Tư pháp rà soát lại. Hiện, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang được Bộ Công an xây dựng. Khi cơ sở này được đưa vào vận hành, các cơ quan tư pháp sẽ cấp mã số định danh cho công dân. Nếu hoàn thành được Kho dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ có đầy đủ các thông tin của công dân mà không cần xuất trình quá nhiều loại giấy tờ như hiện nay. Việc quản lý dân cư cũng sẽ đơn giản hóa và thuận lợi hơn nhiều.

Liên quan đến vấn đề quản lý nhân khẩu, mới đây, CA TP.Hà Nội đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch tổng kiểm tra hộ khẩu năm 2017. Tại hội nghị, Thiếu tướng Đinh Văn Toản nêu rõ, tổng kiểm tra hộ khẩu là hoạt động diễn ra thường xuyên hằng năm của công tác nhân hộ khẩu nhằm phục vụ công tác đảm bảo ANTT, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Yêu cầu, mục đích của đợt tổng kiểm tra hộ khẩu nhằm nắm đầy đủ thực trạng, tình hình các loại hộ, nhân khẩu, thường trú, tạm trú, số người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang cư trú trên địa bàn; rà soát, xác định chính xác các loại đối tượng quản lý theo quy định tại Thông tư số 09, 08 của Bộ Công an.

Việc tổ chức tổng kiểm tra hộ khẩu phải kết hợp với việc tiếp tục thực hiện dữ liệu dân cư phục vụ xây dựng Hệ cơ sở dữ liệu dùng chung của CATP, chú ý nắm tình hình, phát hiện, xử lý kịp thời các vụ, việc liên quan đến ANTT; đối tượng vi phạm pháp luật và các hành vi vi phạm trong công tác đăng ký, quản lý cư trú, quản lý các ngành nghề, đầu tư kinh doanh có điều kiện, nhạy cảm về ANTT góp phần thực hiện công tác cải cách hành chính, quản lý Nhà nước về ANTT và phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn Thủ đô. Việc tổng kiểm tra sẽ bắt đầu tiến hành từ 0h ngày 1.10.2017, kết thúc vào 24h ngày 15.11.2017.

Theo Điều 8 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP thì cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng việc đăng ký tạm trú, thông báo lưu trú thì bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn