MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hà Nội, TPHCM bàn cách hợp tác du lịch với 5 tỉnh vùng trọng điểm miền Trung.

Hà Nội, TPHCM bàn cách hợp tác du lịch với 5 tỉnh vùng trọng điểm miền

Thuỳ Trang – Thanh Chung LDO | 28/11/2020 13:14

Chiều 27.11, TP.Hà Nội và TPHCM đã ký kết thoả thuận hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa 2 thành phố với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, bao gồm 5 tỉnh thành là: Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thừa Thiên - Huế. Đây được xem là bước ngoặt khi hai “ông lớn” của hai đầu đất nước chủ động tìm kiếm các giải pháp phục hồi du lịch cùng với các tỉnh miền Trung sau dịch COVID-19 và thiên tai.

“Vùng du lịch” liên kết còn lỏng lẻo

Trong tham luận gửi diễn đàn, Văn phòng Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nhìn nhận, các tỉnh miền Trung đều có những lợi thế về nhiều mặt để phát triển du lịch, tuy nhiên, việc liên kết phát triển “Vùng du lịch” vẫn lỏng lẻo, vẫn đang “mạnh ai nấy làm”.

Cụ thể, các tỉnh thành dù có liên kết mới chỉ dừng lại trong việc tổ chức sự kiện, chưa thật sự liên kết để cùng phát triển sản phẩm du lịch, nhất là đầu tư cho “Vùng du lịch”. Việc quảng bá du lịch trong toàn vùng không có cùng một chủ đề, chủ điểm, hình ảnh thống nhất. Mỗi địa phương lại hoạt động riêng lẻ với nguồn lực hạn chế. Việc quy hoạch thiếu tầm nhìn tổng thể khiến sự kết nối giao thương liên vùng, nội vùng, nội tỉnh để tạo liên kết phát triển du lịch chưa được đặt ra đúng tầm, chất lượng dịch vụ kém đồng bộ, manh mún làm giảm sức hấp dẫn của sản phẩm và thương hiệu du lịch, lãng phí tài nguyên.

Trong khi đó, bàn về vấn đề các sản phẩm du lịch của các tỉnh miền Trung và cả TPHCM, ông Trần Đoàn Thế Duy - Quyền Tổng Giám đốc Cty Vietravel - cho rằng, dù các tỉnh thành hiện đã có những sản phẩm du lịch chung rất đặc trưng là “Con đường di sản miền Trung” nhưng trong “tình hình mới”, các tỉnh thành cần tập trung phát triển và đa dạng hóa các loại hình du lịch, cùng nhau phối hợp rà soát và làm mới lại sản phẩm. Phát triển du lịch về đêm tại các địa phương cũng cần được chú trọng như xây dựng tuyến phố đi bộ tại các khu vực trung tâm của các tỉnh nhằm tạo điểm vui chơi, giải trí về đêm cho du khách kích cầu chi tiêu cho du lịch. Riêng với khu vực TPHCM cần tập trung vào các loại hình sản phẩm văn hóa hiện đại như trung tâm mua sắm lớn nhất cả nước, nét nổi bật là Thành phố Hồ Chí Minh là nơi tập trung gần như tất cả các nền văn hóa ẩm thực cả nước cũng như quốc tế.

Đặc biệt, miền Trung vừa trải qua đợt tải bùng phát dịch COVID-19 lần 2 và liên tục gặp thiên tai do bão lũ nên du khách sẽ có tâm lý e ngại khi đến đây. Vì vậy, việc liên kết giữa Hà Nội, TPHCM với các tỉnh miền Trung cần tập trung triển khai các hoạt động truyền thông quảng bá các điểm đến an toàn nhằm hướng đến khách hàng đến vùng du lịch an toàn. Các địa phương cần thành lập liên minh liên kết xúc tiến quảng bá du lịch cho 5 tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, xây dựng bản đồ số du lịch cho TPHCM, Hà Nội và vùng kinh tế trọng điểm 5 tỉnh là: Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

Hợp tác 4 nội dung

Ghi nhận các ý kiến đóng góp, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung khẳng định, các ý kiến đã giúp diễn đàn trở thành dấu ngoặc quan trọng trong quan hệ, hợp tác giữa các tỉnh, thành phố, các hiệp hội và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy liên kết phát triển du lịch liên Vùng Bắc - Trung - Nam, qua đó, phục hồi và phát triển du lịch. liên kết, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững và tăng trưởng kinh tế xã hội sau đại dịch.

Cũng tại diễn đàn, đại diện UBND TP.Hà Nội và TPHCM cùng 5 tỉnh thành vùng trọng điểm miền Trung đã chính thức ký kết thảo thuận liên kết, họp tác phát triển du lịch.

Sau thoả thuận này, các tỉnh sẽ liên kết cùng thu hút các nguồn lực xã hội trong và ngoài khu vực liên kết trong các hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, giữ gìn bảo vệ phát huy giá trị truyền thống, văn hóa lịch sử, coi trọng bảo vệ môi trường sinh thái, qua đó góp phần gia tăng các lợi ích kinh tế, văn hóa, xã hội; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch và nhân dân các tỉnh, thành trong chương trình liên kết tìm kiếm đối tác để xây dựng, khai thác và phát triển sản phẩm du lịch.

Thoả thuận còn nhấn mạnh, các địa phướng sẽ phát huy tính chủ động, sáng tạo, hiệu quả, có kế hoạch phối hợp theo từng giai đoạn với mục tiêu rõ ràng, trên cơ sở lựa chọn những nội dung, lĩnh vực thiết thực, trọng điểm cho phát triển du lịch của các địa phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn