MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hà Nội: Về vùng đất người dân chỉ mong trời mưa để có nước sạch

Tùng Giang LDO | 16/09/2020 17:05
Nhiều năm nay, khoảng 250 nghìn hộ dân ở khu vực phía nam ngoại thành Hà Nội sống trong cảnh thiếu nước sạch. Để có đủ nước sinh hoạt, các gia đình phải sử dụng nước giếng khoan hoặc nước mưa để thay thế.

Mong trời mưa để có nước ăn uống

Anh Đàm Trọng Song (trú tại xóm 5, xã Phúc Lâm, Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết, vì thiếu nước sạch, trung bình mỗi gia đình trong xã có từ 2 đến 4 cái giếng khoan trong nhà. Tuy nhiên, gia đình anh Song phải khoan đến 6 giếng mới có đủ nước dùng.

Anh Song phải mồi liên tục để bơm nước từ giếng. Ảnh: TG.

Theo anh Song, khách đến nhà chơi thấy nhiều giếng khoan tưởng sẽ nhiều nước, nhưng thực tế chẳng đáng là bao. Mỗi ngày, nhà anh phải bơm nước 2 lần vào buổi sáng và chiều.

“Lấy nước theo cách này tốn rất nhiều thời gian vì phải mồi nước. Có khi mồi mãi không được, phải bật cùng lúc 2 máy bơm hỗ trợ. Ấy vậy mà nước chẳng được bao nhiêu”, anh Song cho hay.

Theo tìm hiểu, mỗi mũi khoan có giá từ 25 đến 30 triệu đồng, tùy vào độ sâu của giếng và tầng địa chất ở khu vực. Có giếng phải khoan sâu tới 70 mét, có nhà phải khoan đến 4 vẫn chưa thấy nước. Tiền điện để vận hành hệ thống máy bơm của các hộ dân luôn ở mức trên dưới 1 triệu đồng.

Thiếu nước sạch khiến người dân lo lắng.

"Chúng tôi và cả nghìn hộ dân hộ dân ở đây ngày ngày mong trời mưa để có nước sạch ăn uống. Dùng nước kiểu này khá tốn kém mà không đảm bảo", một người dân than thở.

Vì lo ngại nguồn nước không đảm bảo, các hộ dân phải lọc nước nhiều lần bằng máy lọc RO. Thậm chí, họ còn lắp đặt bể lọc có cát, sỏi, than hoạt tính… Dù đã qua nhiều lần lọc như vậy nhưng chỉ trong thời gian ngắn, lõi lọc RO đã rơi vào tình trạng ố màu, phải thay mới.

Lõi lọc đóng cặn vì nước giếng khoan.

Trước vấn đề này, ông Phạm Ngọc Sỹ - Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Lâm thừa nhận: “Trên địa bàn xã hiện tại chưa có nước sạch. Các gia đình trên địa bàn phải khoan giếng để có nước sinh hoạt".

Ông Phạm Ngọc Sỹ - Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Lâm.

Mỏi mòn chờ nguồn nước sạch

Tương tự, tình trạng trên cũng xảy ra tại xã Xuân Dương (Thanh Oai, Hà Nội). Suốt nhiều năm qua, người dân ở đây vẫn dùng nước qua trạm của địa phương. Tuy nhiên theo phản ánh, những trạm cấp nước này không đảm bảo để sử dụng ăn uống.

Bà Nguyễn Thị Xinh (xã Xuân Dương, Thanh Oai, Hà Nội) cho hay, nước ở đây có mùi tanh như thể ai bỏ sắt vào trong thùng nước.

Ban đầu, bà Xinh nghi ngờ có người đổ chất lạ vào nguồn nước gia đình. Nhưng hóa ra đó là tình trạng chung của cả xóm và nhiều nơi trong xã.

Bà Xinh nấu cơm bằng nước đã qua nhiều lần lọc.

“Thậm chí nước đun sôi cũng không thể dùng nổi. Nhiều lần chúng tôi phản ánh lên chính quyền nhưng không có hồi âm. Ở đây có khi nước giếng khoan cũng không có để dùng”, bà Xinh phản ánh.

Được biết, năm 2019, Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra và cho kết quả nước tại đây nhiễm Amoni, Asen, Coliform và Ecoli.

Dù mới thay, nhưng lõi lọc đã ố màu.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội thông tin, hiện khu vực phía nam ngoại thành Hà Nội gồm 4 huyện: Chương Mỹ, Ứng Hoà, Thanh Oai và Mỹ Đức với khoảng 1 triệu nhân khẩu vẫn chưa có hệ thống cấp nước đô thị. Nước ở đây chỉ đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt, chứ không dùng để ăn uống theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Theo Ông Lê Văn Du – Phó Trưởng phòng Hạ tầng, kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện tại, phương án quy hoạch nhà máy nước mặt Xuân Mai để cung cấp nước cho khu vực này đã báo cáo Bộ Xây dựng, và đơn vị cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ.

“Tuy nhiên, giữa TP Hà Nội và Bộ Xây dựng vẫn còn một số điểm chưa thống nhất. Đặc biệt là bổ sung thêm một số nhà máy nước để đáp ứng nhu cầu cho Hà Nội như nhà máy nước Xuân Mai”, vị này nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn