MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều tuyến đường ở Nha Trang (Khánh Hòa) kẹt xe nghiêm trọng vào giờ cao điểm. Ảnh: PV

Hạ tầng giao thông Nha Trang: Viễn cảnh kẹt xe như Hà Nội và TPHCM

Nhiệt Băng LDO | 30/12/2019 11:30

Ồ ạt xây dựng cao ốc, cấp phép các dự án bất động sản du lịch rồi rầm rộ đón khách du lịch nhưng chính quyền tỉnh Khánh Hòa suốt thời gian dài lại “quên” đầu tư hạ tầng giao thông. Viễn cảnh kẹt xe, ách tắc tại Thành phố Nha Trang như Hà Nội, TPHCM... là khó tránh khỏi trong tương lai gần.

Hạ tầng giao thông “ngủ quên” quá lâu

Đến Nha Trang (Khánh Hòa) bây giờ, nhiều du khách đã thấy ngột ngạt bởi nạn kẹt xe, khói bụi, tiếng ồn... nhất là vào giờ cao điểm trên các trục đường chính như Trần Phú, Lê Hồng Phong, vòng xoay Mã Vòng... Trong khi đó, hàng loạt bãi xe trái phép “khủng” ồ ạt mọc lên ở các bãi đất trống tại khu đô thị Mỹ Gia (xã Vĩnh Thái), Khu đô thị An Bình Tân (phường Phước Long)... 

Theo ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường thuộc địa bàn TP.Nha Trang là do lượng khách du lịch đến thành phố tăng cao.

“Để phục vụ nhu cầu của khách du lịch, hàng ngày, TP.Nha Trang phải huy động khoảng 1.800 xe từ 30 ghế trở lên và khoảng 2.000 xe từ 16 đến dưới 29 ghế để phục vụ vận chuyển khách du lịch trong thành phố. Nguyên nhân phải kể đến nữa là hạ tầng du lịch. Các dự án khách sạn, căn hộ du lịch, chung cư cao tầng hiện được xây dựng rất nhiều, chủ yếu trong trung tâm thành phố. Việc này làm hình thành đô thị nén, gây áp lực lên hạ tầng xã hội nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng” - ông Tài cho hay. 

Hệ thống đường giao thông trên địa bàn TP.Nha Trang hiện nay chủ yếu là đường 2 làn xe sử dụng hỗn hợp. Chính quyền tỉnh Khánh Hòa cho biết, quỹ đất dành cho giao thông trên địa bàn TP.Nha Trang quá thấp, so với tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam chỉ mới đạt 8/25%. Trong khi đó, các bãi đỗ xe (giao thông tĩnh) chưa được triển khai nên việc các xe phải đậu dưới đường và quay đầu gây ùn tắc giao thông là điều khó tránh khỏi. 

Ông Tài nói rằng, hiện nay, một số dự án trọng điểm hoàn thành đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả tốt như trục Đông Tây (đường Võ Nguyên Giáp, đường Lê Phong Châu); các tuyến đường đô thị, đường Nguyễn Thiện Thuật nối dài, đường số 4 (đoạn từ đường số 23 đến đường số 28). Tuy nhiên, một số dự án đang triển khai thi công chưa hoàn thành, như đường vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội (vành đai 2), nút giao Ngọc Hội; các tuyến đường, các nút giao thông kết nối khu sân bay Nha Trang, đường Tô Hiến Thành bị vướng giải phóng mặt bằng và đất quốc phòng chưa được bàn giao cho tỉnh Khánh Hòa. Do đó, việc kết nối giao thông các khu vực trung tâm, nhất là các nút kết nối sân bay, trục Bắc - Nam (vành đai 2) chưa đảm bảo, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông.

Loay hoay tìm giải pháp

Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Khánh Hòa - thừa nhận các đường phố nội thành Nha Trang được quy hoạch từ những năm 1980, 1990 và hiện nay không thể cải tạo mở rộng, nâng cấp được. Trong khi đó, quy hoạch phát triển giao thông TP.Nha Trang năm 2010 tầm nhìn đến 2020 đã được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt trước đây, nhưng lại không bố trí được đất để làm các bãi đỗ ôtô. Điều trái khoáy là trong khi đất làm bãi đỗ xe đang “bí” thì rất nhiều vị trí đất ở thành phố Nha Trang lại được cấp phép xây dựng khách sạn cao tầng.

Ông Tài cho hay, giải pháp trước mắt trong thời gian tới là chính quyền tỉnh sẽ cấm các loại phương tiện xe khách từ 29 chỗ trở lên lưu thông vào trung tâm TP.Nha Trang vào các giờ cao điểm trên tất cả tuyến đường từ khu vực phía đông đường Lê Hồng Phong đến đường Trần Phú và từ phía nam sông Cái đến phía bắc cầu Bình Tân (sông Quán Trường). Cấm các loại phương tiện xe khách theo tuyến cố định lưu thông vào trung tâm TP.Nha Trang; tổ chức phân luồng giao thông hợp lý trên một số tuyến đường trên địa bàn TP.Nha Trang. 

Bên cạnh đó, UBND tỉnh sẽ đôn đốc chủ đầu tư các dự án khẩn trương hoàn thiện các dự án giao thông trọng điểm của TP.Nha Trang, như dự án nút giao thông Ngọc Hội và vành đai 2 (giai đoạn 2020 - 2021), các nút giao kết nối sân bay giai đoạn 2020 (đặc biệt là nút giao N2, N3, N7 và đường kết nối sân bay), đường D30 (giai đoạn 2020-2021) kết nối đường 23 tháng 10 với đường Võ Nguyên Giáp, đường Tỉnh lộ 3 (giai đoạn 2020-2021) kết nối đường Phong Châu với đường cao tốc Bắc - Nam và Nguyễn Tất Thành để đưa vào khai thác sử dụng, góp phần giải quyết việc phân luồng giao thông, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn trung tâm thành phố như hiện nay. 

UBND tỉnh cũng khẩn trương tổ chức thực hiện đầu tư các bãi đỗ xe theo quy hoạch trong giai đoạn 2020, trong đó hoàn thiện các thủ tục để đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư bãi xe số 3; hoàn thiện thủ tục đấu giá 2 bãi đỗ xe khu vực 170 Lê Hồng Phong (diện tích khoảng 3.570m2) và khu vực kho cảng Bình Tân (diện tích khoảng 6.600m2). Thế nhưng, tất cả công việc mang tính tạm thời đó vẫn đang nằm trên giấy. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn