MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xây dựng cao tốc, mở rộng đường sẽ tạo điều kiện cho các tỉnh miền núi phía Bắc phát triển kinh tế. Ảnh: Tân Văn

Hạ tầng giao thông - nút thắt phát triển kinh tế, du lịch miền núi

Tân Văn LDO | 29/05/2023 06:08

Nhiều tỉnh miền núi phía Bắc sở hữu tiềm năng lớn về du lịch, văn hóa, khoáng sản, tuy nhiên "nút thắt giao thông" khiến việc phát huy tiềm năng bị chậm lại.

Thiếu những con đường

Nếu như Cao Bằng nổi tiếng với thác Bản Giốc hùng vĩ, suối Lênin trong xanh hiền hoà. Bắc Kạn lại sở hữu hồ Ba Bể - hồ nước ngọt lớn nhất Việt Nam (diện tích trên 500 ha) mỗi năm các điểm du lịch này đều thu hút hàng trăm nghìn lượt khách, tuy nhiên sau mỗi chuyến đi du khách luôn tỏ ra e dè khi nghĩ lại hành trình qua những cung đường đèo dốc nguy hiểm.

"Nếu đường đi lại thuận tiện hơn, dễ đi hơn tôi nghĩ sẽ có nhiều người về các tỉnh miền núi du lịch nhiều hơn nữa" - anh Hoàng Văn Đông, khách du lịch đến từ Hà Nội chia sẻ.

Trước thực trạng này, lãnh đạo các tỉnh miền núi như Cao Bằng, Bắc Kạn đều có đề xuất, xin chủ trương, quy hoạch xây mới, nâng cấp nhiều con đường kết nối cũng như những tuyến cao tốc hiện đại.

Tại Cao Bằng, ngoài dự án trọng điểm là đầu tư xây dựng cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, 3 tuyến đường được tỉnh này đề xuất nâng cấp gồm QL34 đoạn Mã Phục - cửa khẩu Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng; QL4A đoạn thị trấn Trà Lĩnh (cửa khẩu Trà Lĩnh) - thị trấn Xuân Hòa (cửa khẩu Sóc Giang), tỉnh Cao Bằng và QL24B đoạn Km23+300 - Km29+200. Tuy nhiên, các tuyến đường này được khai thác từ lâu, bán kính đường cong nhỏ, dốc dọc lớn, khuất tầm nhìn, cầu hẹp, một số vị trí mất ATGT cho xe tải lớn, xe container, xe chở khách.

Được biết,  mới đây, Cục Đường bộ Việt Nam đã trình Bộ GTVT phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án nâng cấp QL4A đoạn từ thị trấn Trà Lĩnh huyện Trùng Khánh đến thị trấn Xuân Hòa, huyện Hà Quảng (Km234-Km277) và dự án nâng cấp QL34 đoạn từ đèo Mã Phục - tránh thị trấn Trà Lĩnh đến cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh (Km247-Km265). Tổng mức đầu tư cho việc nâng cấp 2 tuyến đường là hơn 2.900 tỉ đồng.

Triển khai nhiều giải pháp

Theo Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hoàn thiện kết cấu hạ tầng là một trong 4 đột phá chiến lược với hạ tầng giao thông vận tải được xác định là lĩnh vực cần tập trung đầu tư. Trong đó, tỉnh Bắc Kạn sẽ tập trung ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm có tính đột phá, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; đa dạng hoá các hình thức đầu tư như liên doanh, liên kết, hợp tác nhà nước và tư nhân (PPP); xây dựng cơ chế, chính sách về quản lí đầu tư phát triển, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa…

Cụ thể, đến năm 2030, Bắc Kạn xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn đạt quy mô 4-6 làn xe.

Đến năm 2050, tỉnh Bắc Kạn hoàn thiện xây dựng tuyến cao tốc đoạn từ TP Bắc Kạn đến TP Cao Bằng quy mô 4 làn xe theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt.

Hoàn thiện tuyến đường trục Đông Tây, nghiên cứu chuyển thành tuyến đường cao tốc kết nối cao tốc CT14 (Phú Thọ - Tuyên Quang - Hà Giang) với cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh quy mô 4 làn xe.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng mở mới một số tuyến đường như: Vành đai phía Đông TP Bắc Kạn; TP Bắc Kạn - hồ Ba Bể; Thanh Vận - Cao Kỳ; Cao Kỳ - Yên Cư; tuyến kết nối ĐT.258B tại xã Công Bằng, huyện Pác Nặm sang xã Yên Thổ, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng; tuyến Khang Ninh - Cao Thượng - Cổ Linh…

Quy hoạch một số tuyến đường mới như: Tuyến đường Bắc Kạn - Cao Bằng với quy mô tối thiểu cấp III, 2 làn xe; tuyến đường trục Đông Tây kết nối Tuyên Quang - Bắc Kạn - Lạng Sơn.

Được biết, nguồn vốn thực hiện dự án chủ yếu là ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, hợp tác nhà nước và tư nhân PPP, BOT…

Theo đánh giá của các chuyên gia, các tuyến đường sau khi hoàn thành sẽ tăng cường kết nối, nâng cao năng lực khai thác, giảm thiểu tai nạn giao thông, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang vận tải của Cao Bằng, Bắc Kạn đến các địa phương vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cũng như ngược lại. Đặc biệt, dự án còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Ông Lê Văn Định - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Cao Bằng - cho biết,  các tỉnh miền núi luôn mong Bộ GTVT cũng như Cục Đường bộ sớm nghiên cứu, chấp thuận, tạo điều kiện để các đề xuất của địa phương có thể thực hiện nhằm gỡ những nút thắt về hạ tầng giao thông. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn