MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc. Ảnh: ĐK

Hạ tầng hàng không ngày càng trở nên hấp dẫn

Đặng Tiến LDO | 19/03/2022 09:43

Bên cạnh sân bay Quảng Trị và Sapa đã được phê duyệt chủ trương đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), mới đây ông "Vua hàng hiệu" Hạnh Nguyễn cũng đã có đề xuất được tham gia đầu tư mở rộng sân bay Phú Quốc. Việc các nhà đầu tư quan tâm đến hàng không cho thấy đây là lĩnh vực đang có nhiều hứa hẹn và triển vọng với giới đầu tư.

"Tầm ngắm" của nhà đầu tư tư nhân

Dự kiến đến năm 2030, tổng sản lượng hành khách thông qua các sân bay khoảng 275,9 triệu hành khách và khoảng 4,1 triệu tấn hàng hóa. Để đáp ứng yêu cầu phục vụ hành khách, Bộ GTVT tải ưu tiên tập trung đầu tư một số sân bay lớn, đóng vai trò đầu mối tại vùng Thủ đô Hà Nội như Nội Bài và vùng Thành phố Hồ Chí Minh, gồm sân bay Tân Sơn Nhất, Long Thành. Đồng thời, từng bước nâng cấp và khai thác có hiệu quả 22 sân bay hiện có và đầu tư 6 sân bay mới để nâng tổng số sân bay của cả nước đưa vào khai thác lên 28 sân bay.

Đến nay đã có nhiều doanh nghiệp tư nhân có mong muốn tham gia đầu tư xây dựng và mở rộng cảng hàng không hiện có. Cụ thể, Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet đã có văn bản gửi một số địa phương bày tỏ mong muốn đầu tư vào các sân bay như: Chu Lai, Cát Bi, Tuy Hòa, Điện Biên. Ngoài Vietjet, Tập đoàn Vingroup cũng đề xuất muốn đầu tư cảng hàng không Chu Lai, Tập đoàn FLC muốn đầu tư vào sân bay Đồng Hới và Tập đoàn T&T Group đề xuất đầu tư sân bay Quảng Trị. Nhưng đến thời điểm hiện tại mới chỉ có duy nhất Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã được xây dựng và vận hành bởi một doanh nghiệp tư nhân là Tập đoàn Sun Group. Một số địa điểm như nhà ga hành khách quốc tế Đà Nẵng (đưa vào khai thác năm 2017), Nhà ga quốc tế Cam Ranh (đưa vào khai thác năm 2018) và Nhà để xe quốc nội Tân Sơn Nhất (đưa vào khai thác cuối năm 2016) đều do ACV góp vốn thành lập tổ chức kinh tế để đầu tư dự án.

Đối với sân bay Cam Ranh, Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) của ông Hạnh Nguyễn đang góp vốn lớn nhất với 55%, trong khi đó ACV chỉ góp chưa tới 10%.  Hiện, cảng hàng không Quảng Trị và cảng hàng không Sapa cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo hình thức PPP, hứa hẹn gia tăng sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông hàng không.

Theo tờ trình của Bộ GTVT gửi Chính phủ về việc phê duyệt đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không, có đề xuất chuyển giao một số công trình hạ tầng cho địa phương để chủ động huy động nguồn lực đầu tư phát triển toàn bộ cảng hàng không theo hình thức PPP. Đại diện Bộ GTVT cho rằng, nguyên tắc huy động nguồn vốn xã hội đầu tư hạ tầng kết cấu cảng hàng không được đề xuất đảm bảo doanh nghiệp 100% vốn nhà nước giữ quyền hoạt động bay. Theo đó, hình thức đầu tư đa dạng nhưng vẫn phải đảm bảo đồng bộ trong khai thác và quyền định đoạt của Nhà nước đối với tài sản kết cấu hạ tầng cảng hàng không. Việc huy động nguồn vốn xã hội bảo đảm công khai, minh bạch, gắn trách nhiệm đầu tư với trách nhiệm quản lý, khai thác; tuân thủ các nguyên tắc về giá, phí hàng không của Chính phủ và ICAO.

Giảm gánh nặng đầu tư công

Mới đây nhất Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) của ông Hạnh Nguyễn đã có văn bản gửi Bộ GTVT ngỏ ý tham gia đầu tư vào các hạng mục kêu gọi xã hội hóa tại sân bay Phú Quốc như: Nhà ga hành khách quốc tế, nhà ga hàng hoá, kho hàng hóa và đường băng. Tại văn bản, ông Nguyễn Hạnh khẳng định IPPG cam kết thực hiện đầu tư đảm bảo chất lượng, tiến độ và tuân thủ các quy định pháp luật.

Theo đại diện IPPG hiện công suất phục vụ của nhà ga hành khách sân bay Phú Quốc khoảng 2,65 triệu khách/năm và dự kiến đến năm 2030 là 7,0 triệu khách/năm. Cùng đó, những năm qua kinh tế xã hội của Phú Quốc liên tục tăng trưởng, nhu cầu đi lại của du khách ngày càng cao. Các chặng bay quốc tế đến Phú Quốc càng nhiều. Cụ thể, năm 2019 - thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát, sân bay Phú Quốc đón 3,2 triệu lượt khách du lịch. Hiện Bộ GTVT và tỉnh Kiên Giang đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch xây dựng mở rộng sân bay Phú Quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo chủ trương của Chính phủ sẽ kêu gọi hợp tác đầu tư xã hội hóa một số hạng mục đầu tư.

Trước đó từ cuối năm 2018, doanh nghiệp của ông Hạnh Nguyễn cũng đã đề xuất Bộ GTVT được đầu tư 2.000 tỉ đồng xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh tại sân bay Phú Quốc. Sau khi xây dựng xong, IPPG sẽ bàn giao đường băng cho ACV quản lý, khai thác, vận hành theo sự thống nhất của các bên. Cùng đó, IPPG cũng mong muốn phối hợp cùng ACV đầu tư xây dựng nhà ga hành khách quốc tế T2 công suất 10 triệu khách/năm tại Phú Quốc với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 7.000 tỉ đồng.

Trao đổi với Báo Lao Động, GS Đặng Đình Đào cho hay việc các nhà đầu tư tư nhân đầu tư đang quan tâm vào lĩnh vực hạ tầng sân bay (hạ tầng Logistics) vốn là lĩnh vực mà chúng ta có nhiều tiềm năng là điều dễ hiểu. Nhà nước đã quy hoạch hệ thống sân bay, hiện một số sân bay lớn hoạt động rất hiệu quả nhưng cũng có không ít sân bay địa phương hoạt động chưa hiệu quả khi chỉ đạt 1/3 công suất thiết kế (còn ở dạng tiềm năng). Vấn đề là nhà đầu tư tư nhân sẽ phải chịu trách nhiệm về đồng vốn của họ và theo đó quan trọng nhất là phải quản lý, kiểm soát làm sao để nhà đầu tư không đi vay vốn ngân hàng rồi dẫn đến nợ xấu, hoặc vay ngân hàng Nhà nước lại bảo lãnh. “Chúng ta khuyến khích nhưng phải quản lý sao có hiệu quả” - GS Đặng Đình Đào nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn