MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Trí Lạc - Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Hà Tĩnh đăng đàn trả lời chất vấn về lĩnh vực lao động, việc làm sáng 15.12.

Hà Tĩnh: 35.000 lao động trái phép ở nước ngoài, chưa xử lý được ai

TRẦN TUẤN LDO | 15/12/2019 11:10
Sáng 15.12, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh khóa 17 tổ chức kỳ họp thứ 12 tiếp tục phiên chất vấn, trả lời chất vấn. Giám đốc Sở LĐTBXH Nguyễn Trí Lạc đăng đàn trả lời.

Theo ông Nguyễn Trí Lạc – Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Hà Tĩnh, hiện nay, Hà Tĩnh có trên 67.818 người đang làm việc tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó tập trung ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Angola, Lào, các nước Châu Âu. Số ngoại tệ do người lao động gửi về nước là trên 4.500 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh những lợi ích kinh tế mang lại từ XKLĐ thì việc vi phạm của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực XKLĐ lao động trong thời gian qua tăng cả về quy mô và mức độ vi phạm. Tình trạng lao động bỏ trốn, lao động vi phạm hợp đồng, lao động hết hạn hợp đồng không về nước đang là vấn đề lớn của tỉnh, được dư luận rất quan tâm.

Hà Tĩnh hiện có trên 5.000 lao động vi phạm hợp đồng và cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài, nếu tính số lao động di cư tự do ra nước ngoài và không có giấy phép lao động của nước sở tại, Hà Tĩnh có trên 35.000 người đang làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài.

Sau báo cáo của Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Hà Tĩnh, nhiều đại biểu đã chất vấn về giải pháp đối với tình trạng lao động trái phép, doanh nghiệp lợi dụng đưa lao động đi làm việc trái phép? Làm sao để ngăn chặn được tình trạng lao động bất hợp pháp ở nước ngoài? Đáng chú ý, có đại biểu đã chất vấn tại sao hiện Hà Tĩnh có 35.000 người làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài nhưng theo báo cáo thì chưa xử lý được 1 trường hợp nào, dù đã có quy định, chế tài xử lý?

Trả lời các câu hỏi chất vấn, ông Lạc cho hay, cơ bản việc người dân lợi dụng đi du lịch, du học, thăm thân, khám chữa bệnh... bằng con đường hợp pháp nhưng sau đó ở lại làm việc bất hợp pháp. “Việc này rất khó quản lý” – ông Lạc thừa nhận.

Về việc, có 35.000 người lao động bất hợp pháp ở nước ngoài nhưng chưa xử lý được trường hợp nào, ông Lạc thừa nhận có thực tế này và lý giải vì lao động vi phạm chưa về nước nên chưa xử lý được, dù đã có quy định mức phạt được áp dụng hiện nay là từ 80 – 100 triệu.

Ông Lạc cũng thông tin, để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp đưa lao động đi XKLĐ trái phép, vừa qua, Sở đã phối hợp với Công an tổng kiểm tra, rà soát các doanh nghiệp, đơn vị và đã xử lý được một số đơn vị vi phạm.

Sắp tới tỉnh sẽ có đề án về hoạt động XKLĐ để thúc đẩy hoạt động được thuận lợi, hiệu quả, tăng cường quản lý, giám sát lao động được tốt hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn