MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trụ sở UBND xã Thạch Hương (cũ) vẫn đang bỏ hoang suốt 4 năm nay kể từ khi sáp nhập với xã Thạch Tân, Thạch Lâm để thành xã Tân Lâm Hương. Ảnh: Trần Tuấn

Hà Tĩnh còn hàng trăm cơ sở nhà đất chưa được sắp xếp lại, đang bỏ hoang

TRẦN TUẤN LDO | 19/03/2024 17:01

Công cuộc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã (sáp nhập xã) ở Hà Tĩnh đã thực hiện hơn 4 năm. Tuy nhiên đến nay, Hà Tĩnh vẫn còn hàng trăm cơ sở nhà, đất chưa được xử lý, đang bỏ hoang gây lãng phí. Nhiều nguyên nhân được chỉ ra, trong đó chủ yếu là... chưa quyết liệt.

Hàng trăm cơ sở chưa được xử lý

Ngày 19.3, Sở Tài chính Hà Tĩnh thông tin, thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Hà Tĩnh đã sắp xếp 80 xã để hình thành 34 xã mới, giảm 46 xã.

Thực hiện sắp xếp lại, xử lý tài sản công, Tổ công tác sắp xếp nhà đất của tỉnh Hà Tĩnh do Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT), Sở Xây dựng đã rà soát 4.892 cơ sở nhà đất trên toàn tỉnh và tham mưu UBND tỉnh phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý.

Theo đó, với nhóm cơ sở nhà, đất được xử theo pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công, hiện Hà Tĩnh có 83 cơ sở nhà, đất dôi dư. Trong đó, có 38 trụ sở UBND xã cũ; 24 trường học; 21 trạm y tế.

Toàn bộ 83 cơ sở nhà, đất trên đã được UBND tỉnh phê duyệt phương án sắp xếp tại các địa phương. Trong đó, 37 cơ sở nhà đất được phê duyệt bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; 27 cơ sở nhà đất được phê duyệt xử lý điều chuyển, 19 cơ sở nhà đất được phê duyệt chuyển giao về địa phương để quản lý, xử lý.

Đối với các cơ sở nhà, đất được đưa ra khỏi phương án sắp xếp (do không còn thuộc đối tượng thực hiện sắp xếp nhà đất), theo phê duyệt của UBND tỉnh Hà Tĩnh có 192 cơ sở nhà, đất sẽ phải tiếp tục thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật về đất đai.

Thiếu quyết liệt, lòng vòng trách nhiệm

“Sau khi phương án sắp xếp nhà đất được phê duyệt, việc triển khai thực hiện xử lý chưa được các địa phương thực hiện kịp thời dẫn đến còn tình trạng nhà đất không được sử dụng” - theo Sở Tài chính Hà Tĩnh.

Cũng theo sở này, với nhóm các cơ sở nhà, đất đã được duyệt hình thức xử lý là “Điều chuyển”, “Chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý”: một số nhà, đất tuy đã được UBND tỉnh trình Bộ Tài chính điều chuyển cho Bộ Công an để sử dụng làm trụ sở Công an xã, thị trấn nhưng đến nay, Bộ Tài chính đang trong quá trình soát xét để ban hành quyết định điều chuyển.

Qua rà soát, nguyên nhân chủ yếu các huyện, thành phố, thị xã chưa quyết liệt, còn chậm trong việc chỉ đạo, thực hiện xử lý theo hình thức đã được duyệt.

Đối với nhóm các cơ sở nhà, đất được duyệt hình thức xử lý là “Bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất” nhưng chưa thực hiện thành công do quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa được các địa phương điều chỉnh kịp thời để phù hợp với mục đích đất sử dụng sau khi bán, do đó chưa thể triển khai các trình tự, thủ tục để trình cấp có thẩm quyền quyết định bán tài sản công.

Các địa phương còn thiếu quan tâm, thiếu tích cực trong tham mưu, trình xử lý bán, còn tâm lý chờ đợi địa phương khác bán trước để học hỏi kinh nghiệm. Một số cơ sở nhà đất được nhận định rằng việc tổ chức bán sẽ không khả thi, không có người mua nên địa phương còn chậm trong tổ chức thực hiện.

Trụ sở xã Thạch Hương (cũ) bỏ hoang nhiều năm nay. Ảnh: Trần Tuấn

Cũng theo Sở Tài chính Hà Tĩnh, quy định hiện nay, chỉ có Chủ tịch UBND tỉnh quyết định bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá đối với nhà, đất do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc địa phương quản lý, theo đó chỉ có cơ quan có tài sản hoặc Sở Tài chính mới được tổ chức bán. Điều đó dẫn đến không đủ nhân lực, bộ máy, năng lực để tổ chức thực hiện.

Đối với các cơ sở nhà, đất được đưa ra khỏi phương án sắp xếp, sau khi rà soát, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao Sở TMMT chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện quản lý, sử dụng, xử lý các cơ sở nhà, đất theo quy định. Tuy nhiên, các cơ sở nhà đất nêu trên vẫn đang trong quá trình xử lý do Sở TNMT chưa có văn bản hướng dẫn.

“Do chưa được Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục xử lý theo pháp luật về đất đai đối với nhóm các cơ sở nhà đất nên các địa phương còn lúng túng, chậm triển khai thực hiện xử lý”, theo Sở Tài chính Hà Tĩnh.

Thêm nữa, theo quy định, đất thu hồi do không còn nhu cầu sử dụng thì phải giao cho tổ chức dịch vụ công về đất đai để quản lý, đấu giá quyền sử dụng đất. Thế nhưng, toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện chỉ có Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh và Trung tâm phát triển quỹ đất Thành phố Hà Tĩnh là đủ chức năng, điều kiện để thực hiện. Trong khi số lượng nhà đất cần xử lý rất lớn nằm ở nhiều địa phương nên vượt quá khả năng tổ chức thực hiện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn