MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy số lợn mắc bệnh

Hà Tĩnh kiểm soát bước đầu dịch lở mồm long móng

ANH ĐỨC LDO | 08/01/2019 17:14

Ổ dịch lở mồm long móng đầu tiên được phát hiện ngày 1.12.2018, tại xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh(Hà Tĩnh) sau đó xuất hiện thêm tại 6 huyện khác trên địa bàn toàn tỉnh và buộc một huyện công bố dịch. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại sau hơn một tháng nỗ lực, bằng các giải pháp đồng bộ dịch bước đầu đã được kiểm soát.

This browser does not support the video element.

Theo báo cáo của ngành chuyên môn Hà Tĩnh, tính đến ngày 8.1.2019, toàn  tỉnh có 1.309 con lợn bị chết hoặc mắc bệnh phải tiêu hủy trên tổng đàn lợn hiện có khoảng gần 500.000 con (chiếm 0,26% tổng đàn lợn)và 41 con trâu bò mắc bệnh trên tổng đàn gần 300.000 con (chiếm 0,014% tổng đàn trâu bò).

Ngành chuyên môn Hà Tĩnh thường xuyên bám sát cơ sở để có chỉ đạo kịp thời

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y Hà Tĩnh cho biết: “Sau khi triển khai đồng bộ các giải pháp, đến nay dịch bệnh đã được kiểm soát bước đầu; ổ dịch tại xã Kỳ Văn đã qua 21 ngày, các ổ dịch phát sinh trên đàn trâu bò đến nay đã khỏi triệu chứng không phát sinh mới, phần lớn số lợn mắc bệnh tại các xã có dịch đã được xử lý tiêu hủy. Đến ngày 08.01.2019, trên địa bàn Hà Tĩnh hiện còn 100 con lợn có triệu chứng lâm sàng đang phân loại xử lý, số trâu, bò mắc bệnh đã khỏi triệu chứng lầm sàng”

Ngày 5.1.2019, đoàn công tác do ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trực tiếp kiểm tra, làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh, kết luận đánh giá sự tích cực, chủ động và quyết liệt của ngành, các địa phương trong chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng chống dịch LMLM để đạt được kết quả kiểm soát dịch bệnh hiện nay.

Tuy vậy, do tính chất của dịch bệnh trên cả nước trong đợt này cùng với khó khăn do khí hậu, thời tiết nên dịch bệnh đang có những diễn biến bất lợi nên thời gian tới nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh còn rất cao, nhất là tại các địa phương có đàn lợn nhiều, mật độ chăn nuôi cao như: Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc,...

Đội ngũ cán bộ thú y nhất là cấp huyện, xã còn thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, chưa đáp ứng yêu cầu cao trong công tác phòng, chống dịch. Theo số liệu tổng hợp từ các địa phương, cán bộ Thú y cấp huyện hiện có 41 người so với định mức 67 biên chế được giao năm 2012 (thời điểm phân cấp Trạm Thú y theo Nghị quyết số 26 của HĐND tỉnh),... Lực lượng Thú y cấp xã yếu, chế độ, chính sách chưa đảm bảo để phát huy vai trò trách nhiệm theo quy định.

Lãnh đạo Cục thú y – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trực tiếp kiểm tra tại Hà Tĩnh

“Qua kiểm tra còn có tình trạng người mua bán lợn ngay tại các vùng có dịch, chậm tiêu hủy lợn và tiêm phòng bao vây ổ dịch theo quy định, công tác quản lý giết mổ đạt tỷ lệ thấp tại một số địa phương như: Hương Khê, TX Kỳ Anh, Vũ Quang,...).

Nhận thức của chăn nuôi về dịch bệnh còn nhiều hạn chế, vẫn còn tình trạng người dân sử dụng thuốc dân gian hoặc gọi thú y tự do để điều trị; không chấp hành việc tiêu hủy lợn gây khó khăn cho công tác chông dịch”-  ông Hùng cho biết thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn