MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lực lượng chức năng thị xã kiểm tra, phát quang thảm thực vật để phòng cháy chữa cháy rừng. Ảnh: Cổng TTĐT thị xã Kinh Môn, Hải Dương

Hải Dương xác định 4 trọng điểm dễ cháy rừng ở Kinh Môn

Hoàng Khôi LDO | 26/10/2023 15:14

UBND thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) vừa ban hành Kế hoạch số 184 yêu cầu các cấp, các ngành tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2023 – 2024.

Theo đó, UBND thị xã Kinh Môn yêu cầu các cấp, các ngành củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng các cấp. Đồng thời, xây dựng phương án, kế hoạch phòng cháy chữa cháy rừng, phân công lực lượng trực 24/24 giờ khi dự báo cháy rừng cấp III, IV, V, để tiếp nhận, xử lý thông tin về tình hình cháy rừng.

Các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, đặc biệt là các xã, phường được xác định là vùng trọng điểm dễ cháy gồm: An Phụ, An Sinh, Phạm Thái, Thượng Quận, Hiệp Hòa, Quang Thành, Lê Ninh, Bạch Đằng, Hiệp Sơn, Tân Dân. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra các đơn vị cơ sở để nhắc nhở hoặc xử lý các chủ rừng không chấp hành các quy định về phòng cháy chữa cháy rừng theo quy định.

UBND thị xã xác định 4 khu vực trọng điểm cháy. Trọng điểm 1 là khu vực di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt An Phụ, diện tích 564,4ha; rừng trồng thông và keo các loại thuộc các xã, phường: An Phụ, An Sinh, Phạm Thái, Thượng Quận, Hiệp Hòa.

Trọng điểm 2 là khu vực rừng phòng hộ giáp ranh giữa các xã Lê Ninh và Quang Thành; rừng trồng thông, keo, diện tích trên 341,9ha. Trọng điểm 3 là rừng thông thuần loại tại phường Hiệp Sơn, diện tích 66,2ha. Trọng điểm 4 là khu rừng trồng thông, keo có diện tích trên 104,2ha thuộc phường Tân Dân.

UBND thị xã yêu cầu các cấp, các ngành tăng cường phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Đồng thời, chỉ đạo, chỉ huy thống nhất, phối hợp chặt chẽ các lực lượng tham gia chữa cháy rừng.

Khi chữa cháy rừng cần thực hiện phương châm 4 tại chỗ, bao gồm: “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”. Trong quá trình chữa cháy rừng đảm bảo an toàn theo thứ tự ưu tiên: Người, tài sản, các công trình, phương tiện, thiết bị tham gia chữa cháy rừng. Các chủ rừng có trách nhiệm rà soát, điều chỉnh (hoặc xây dựng mới) và thực hiện nghiêm túc phương án phòng cháy chữa cháy rừng trên diện tích rừng quản lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn