MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Biệt phủ mọc lên trái phép tại Nông trường Quý Cao, Tiên Lãng, Hải Phòng. Ảnh: MC

Hải Phòng: Ngang nhiên xây biệt phủ trên đất nông trường

Mai Chi LDO | 11/05/2022 08:42

Hải Phòng - Đất của nông trường, được giao cho các hộ trồng cây ăn quả, nhưng đến thời điểm hiện tại, nhiều biệt phủ mọc lên nguy nga, đồ sộ, bất chấp việc chính quyền địa phương kiểm tra, yêu cầu giữ nguyên hiện trạng.

Biệt phủ mọc trên đất nông trường

Trước thông tin về việc mua bán đất đang diễn ra sôi động tại phần đất Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Quý Cao (gọi tắt là Nông trường Quý Cao) đang quản lý ở xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, chúng tôi đã lên đường về nông trường tìm hiểu.

Đến nơi, giữa bạt ngàn các loại cây trái của nông trường, thì ngay trên con đường vào, hàng loạt những căn nhà bề thế, kiên cố được xây dựng. Nhiều biệt thự nhà vườn, nhà đền, công trình kiên cố đã mọc lên hoàn thiện, nhiều nơi vẫn đang trong quá trình xây dựng.

Tại đây, chúng tôi được ông L.T.K – một công nhân nông trường Quý Cao – cho biết, ông đang có nhu cầu bán lại hơn 13.000 m2 đất mà ông đang nhận giao khoán của Nông trường Quý Cao.

Ông K cho biết: Năm 1994, tôi được Nông trường Quý Cao giao khoán 3,8 mẫu đất (tương đương 13.600 m2) với 171 gốc vải, thời hạn 50 năm. Đến thời điểm hiện tại, hợp đồng còn giá trị 22 năm nữa.

Theo ông L.T.K, đến năm 2009, ông và mấy chục hộ nhận giao khoán được cơ quan chức năng cho phép chuyển một phần diện tích đất nông nghiệp nhận giao khoán để xây dựng nhà ở, mỗi hộ 150 m2. Đến nay, hai vợ chồng ông đều đã về hưu, nên muốn chuyển nhượng lại quyền thuê đất và 150 m2 đất ở với giá 4 tỉ đồng để về quê sinh sống.

“Hằng năm người mua đất chỉ phải trả cho nông trường tiền bảo quản, giao khoán sản lượng 171 gốc vải (khoảng hơn 1 triệu đồng/năm) thì sẽ được sở hữu 150 m2 đất ở cùng vườn vải trên diện tích gần 3,8 mẫu, thoải mái làm nhà vườn, sinh thái” – ông L.T.K nói.

Thời điểm đầu tháng 5.2022, biệt phủ này vẫn đang xây dựng trên đất nông trường Quý Cao

Cũng theo ông L.T.K, nhiều hộ nhận khoán đất nông trường Quý Cao hiện cũng đã chuyển nhượng, bán đất cho người ở nơi khác đến xây biệt thự, nhà vườn, có cả khu vực thờ cúng tâm linh rộng hàng nghìn mét vuông. Nhiều công trình kiên cố, hoành tráng được mọc lên giữa khu nông trại trồng vải.

Có biệt phủ được xây dựng rộng hàng nghìn mét vuông với các hạng mục như tòa biệt phủ, nhà nghỉ, nhà chờ, nhà để xe, hồ nước kè bê tông, nhà thủy đình ngắm cảnh…

Điều đáng nói là, ngoài việc xây dựng trái phép trên đất nông trường, thì để xây được những biệt phủ này, không biết bao nhiêu cây vải – vốn là tài sản công của nông trường – đã bị chặt hạ?

Lãnh đạo nông trường không hợp tác với chính quyền ?

Trao đổi với Lao Động, ông Phạm Xuân Hoà, Chánh Văn phòng UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) cho biết: Ngay từ tháng 1.2022, thực hiện kiểm tra thực địa để phục vụ việc giải thể Nông trường Quý Cao (theo quyết định của UBND TP.Hải Phòng từ năm 2015), UBND huyện Tiên Lãng đã phát hiện các hoạt động mua bán, chuyển nhượng đất nông trường, việc xây biệt thự, nhà đền… trên đất nông nghiệp.

Sau cánh cổng này là một công trình kiên cố

 Theo ông Hòa, do diện tích đất nông trường vẫn thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH MTV nông nghiệp Quý Cao nên huyện chỉ có văn bản đề nghị Công ty này, yêu cầu các hộ tự tháo dỡ công trình xây dựng trên đất nông nghiệp; báo cáo các trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đồng thời yêu cầu các hộ dân giữ nguyên hiện trạng vi phạm.

Tuy nhiên, lãnh đạo nông trường đã không hợp tác, không báo cáo nào gửi về UBND huyện Tiên Lãng.

Đến ngày 25.3.2022, UBND huyện Tiên Lãng đã có văn bản chỉ đạo Công an huyện, yêu cầu đơn vị này cử lực lượng điều tra, nắm bắt tình hình, đánh giá mức độ vi phạm của người dân trong việc xây dựng trái phép trên đất nông trường Quý Cao.

Đến ngày 29.4, UBND huyện Tiên Lãng tiếp tục có văn bản đề nghị lãnh đạo Công ty TNHH MTV nông nghiệp Quý Cao phối hợp cùng chính quyền địa phương về việc quản lý đất nông nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Hoà, công ty này vẫn tiếp tục không hồi đáp, không báo cáo lại.

Ông Nguyễn Văn Đoan, Phó phòng TNMT huyện Tiên Lãng cho biết, theo quy định, cán bộ, nhân viên Công ty TNHH MTV nông trường Quý Cao chỉ được giao đất làm nông nghiệp, không có việc được tách thửa đất ở trong thửa đất nông nghiệp. Các hộ chỉ được làm lán trại tạm để công cụ sản suất nông nghiệp.

Một công trình khác vẫn đang được xây dựng

 Cũng theo đại diện huyện Tiên Lãng, Công ty TNHH MTV Quý Cao tiền thân là Nông trường Quý Cao, được thành lập năm 1993, đến năm 2010 tổ chức lại thành tên như ngày nay. Công ty được giao quản lý, sử dụng 122 ha đất, chủ yếu trên địa giới hành chính các xã Đại Thắng, Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng và xã Quang Trung, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.

Năm 2015, Công ty có quyết định giải thể để bàn giao diện tích đất về UBND huyện Tiên Lãng quản lý. Tuy nhiên, do vướng mắc địa giới giữa 2 tỉnh, thành nên chưa thực hiện được. Đến năm 2020, Chính phủ có Nghị quyết 59/NQ-CP xác định địa giới hành chính giữa Hải Phòng và Hải Dương để giải quyết vướng mắc do lịch sử để lại, trong đó có phân định cột mốc tại Nông trường Quý Cao. Nhưng địa phương chưa giải quyết xong thì lại xuất hiện tình trạng hàng loạt nhà kiến cố, biệt phủ mọc lên tại Nông trường này. 

Mời Quý vị cùng lắng nghe chương trình Giờ thứ 9 của Báo Lao Động

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn