MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu ngành Y tế chỉ đạo thanh tra việc các quầy bán thuốc điều trị COVID-19 không đúng theo quy định. Ảnh: Cổng TTĐT Hải Phòng

Hải Phòng yêu cầu ngành Y tế thanh tra việc bán thuốc điều trị COVID-19

Đặng Luân LDO | 14/02/2022 19:26
Hải Phòng - Theo lãnh đạo ngành Y tế TP.Hải Phòng, hiện nay một số người dân mắc COVID-19 nhưng không khai báo y tế, tự mua thuốc về nhà dùng, gây khó khăn cho các đơn vị y tế trong việc vận động, thực hiện giám sát y tế, theo dõi, quản lý và điều trị. 

Chiều 14.2, UBND thành phố Hải Phòng họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19. 

Theo báo cáo của Phó Giám đốc Thường trực Sở Y tế Phan Huy Thục, tính đến ngày 13.2, Hải Phòng ghi nhận 68.091 ca nhiễm COVID-19; đến nay có 35.558 ca hồi phục xuất viện; 110 ca tử vong (chiếm 0,16%); 32.423 ca đang điều trị, trong đó 31.032 ca điều trị tại nhà (chiếm 95,7%), 1.391 ca điều trị tại cơ sở y tế (chiếm 4,3%).

Hiện nay, một số người dân mắc COVID-19 nhưng không khai báo y tế, tự mua thuốc về nhà dùng, gây khó khăn cho các đơn vị y tế trong việc vận động, thực hiện giám sát y tế, theo dõi, quản lý và điều trị. Một số bộ phận và người dân còn biểu hiện chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch. Nhân lực tại một số đơn vị y tế còn mỏng, đặc biệt khi số ca mắc tăng nhanh, số nhân lực tại Trạm Y tế không đủ để quản lý, theo dõi F0 tại nhà. Nhiều nhân viên y tế mắc COVID-19 từ cộng đồng và trong khu điều trị. Thuốc kháng virus từ nguồn cung ứng của Bộ Y tế chưa đủ để đáp ứng nhu cầu điều trị. Dịch bệnh COVID-19, diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo nên việc dự toán mua sắm gặp nhiều khó khăn, khó chủ động.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang nhấn mạnh trong công tác phòng chống dịch không chủ quan lơ là, nhưng không được hoảng sợ lo lắng, vì số lượng tử vong của thành phố hiện đang thấp hơn so với trung bình của cả nước. Các cơ sở y tế hiện đáp ứng đủ nhu cầu điều trị cho các ca nặng; thành phố sẵn sàng kinh phí cho công tác phòng chống dịch.

Kết luận tại Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng đánh giá số ca nhiễm COVID-19 trên địa bàn thành phố tăng cao hơn so với trước Tết Nguyên đán, đề nghị các địa phương tiếp tục tập trung cao hơn nữa cho công tác phòng chống dịch, trong đó tập trung công tác tuyên truyền, để người dân không chủ quan, hoang mang, đặc biệt đối với việc tự ý sử dụng thuốc, gây nhiều tác dụng phụ. Thành phố yêu cầu ngành Y tế chỉ đạo thanh tra việc các quầy bán thuốc điều trị COVID-19 không đúng theo quy định. Đồng thời, khuyến khích người dân tự mua kit thử, thử và khai báo khi có kết quả dương tính với chính quyền địa phương.

Thành phố quyết định không mở thêm Trạm Y tế lưu động, tuy nhiên tăng thêm nhân lực, vật lực cho các Trạm này bằng việc huy động sinh viên trường Đại học Y Dược Hải Phòng, Cao đẳng Y Hải Phòng, Đại học Hải Phòng từ ngày 16.2 đến ngày 16.3 để hỗ trợ Trạm Y tế lưu động tại các địa phương có số ca mắc cao, có hỗ trợ kinh phí.

Đối với việc thành lập Tổ chăm sóc tại cộng đồng, Chủ tịch UBND thành phố đồng ý phương án tổ chức thí điểm tại các địa phương có số ca mắc cao như tại các quận/huyện An Dương, Hải An, Ngô Quyền. Mỗi quận huyện từ 5-6 tổ, mỗi tổ từ 5-6 người, có hỗ trợ kinh phí, lựa chọn lực lượng trẻ, nhanh nhẹn, có sức khỏe để tham gia. Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 các xã/phường sẽ hoạt động chung địa điểm với Trạm Y tế lưu động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn