MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tòa chung cư mini nằm sâu trong hẻm 29/70 Khương Hạ (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) vừa xảy ra cháy lớn làm nhiều người chết. Ảnh: Hải Nguyễn.

Hai phút ghi nhớ kĩ năng "nằm lòng" để thoát nạn cháy chung cư

Trà My LDO | 14/09/2023 13:56

Gần đây, cả nước xảy ra nhiều vụ cháy thiệt hại lớn về người và tài sản. Dưới đây là một số kĩ năng thoát nạn khi cháy chung cư.

Một số kĩ năng “tự cứu” trước khi “đợi cứu”

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, một chiến sĩ công an PCCC công tác ở Hà Nam cho biết, khi thấy cháy nổ, người dân cần phải thật bình tĩnh, ổn định tinh thần để di chuyển ra ngoài đám cháy nhanh chóng và an toàn.

Khi xảy ra cháy nổ, khói trong đám cháy sẽ cản trở tầm nhìn, người dân phải di chuyển bò sát mặt đất, men theo bờ tường tìm lối thoát nạn.

“Trường hợp không thể tìm lối thoát an toàn hoặc nhận sự giúp đỡ của người khác có thể thoát ra từ cửa sổ hoặc nhảy sang mái nhà bên cạnh. Đồng thời, cần bịt khăn có thấm nước lên miệng, quấn chăn lên người để tránh cháy quần áo, bỏng da. Nếu quần áo dính lửa thì nằm xuống và lăn qua lại để dập lửa” – vị này nói.

Thời điểm vụ cháy diễn ra, người dân cần lấy vải ướt hoặc băng dính bịt cửa để tránh khói, khí độc tràn vào. Di chuyển ra ban công, cửa sổ gọi lớn, thu hút sự chú ý của mọi người, đồng thời gọi điện cho cơ quan phòng cháy chữa cháy để đến cứu. Ngoài các kĩ năng thoát nạn nêu trên, người dân cần trang bị thêm các phương tiện chữa cháy để trong nhà như: Bình chữa cháy, mở lối thoát hiểm trên lồng sắt, ban công, thước dây…

Đồng thời, theo vị này, phòng cháy hơn chữa cháy. Chính vì vậy, tại chính các hộ gia đình nên có những biện pháp phòng cháy tránh xảy ra sự cố đáng tiếc.

"Các gia đình sử dụng gas để nấu ăn cần chú ý khóa van bình gas trước, sau đó mới được mở khóa van bếp. Trong quá trình dùng, nếu ngửi thấy mùi khí gas thì cần báo ngay cho các thành viên trong gia đình. Bên cạnh đó, không được bật công tắc điện hoặc bất cứ dụng cụ hay thiết bị nào có phát sinh lửa, thay vào đó cần mở cửa để thông gió, kiểm tra cụm van và bình gas. Ngoài ra, có thể sử dụng bếp điện để chống cháy nổ.

Hệ thống điện cần phải được lắp đặt và sử dụng theo đúng kỹ thuật, các hộ gia đình tuyệt đối không được tự ý lắp đặt thêm các thiết bị tiêu thụ điện, các thiết bị bảo vệ hay ngắt tự động khi có sự cố xảy ra.

Thiết bị phòng cháy chữa cháy nên có

Mỗi gia đình nên chuẩn bị những vật dụng, thiết bị PCCC. Thứ nhất, là búa thoát hiểm. Vật dụng này được thiết kế đặc biệt, có khả năng tạo lực đập lớn để phá cửa thoát ra ngoài trong trường hợp hỏa hoạn.

Ngoài ra nên có sẵn bình chữa cháy để sử dụng nhằm đảm bảo an toàn chữa cháy trực tiếp và lưu động khi đám cháy mới bắt đầu. Nếu được sử dụng đúng cách, bình chữa cháy có thể cứu được những thiệt hại rất lớn từ con người tới tài sản của bạn do hỏa hoạn gây ra.

Mặt nạ chống hơi độc hay mặt nạ phòng độc cũng là một thiết bị nên có để bảo vệ người dùng khỏi hít phải các khí độc hại trong không khí và các chất gây ô nhiễm môi trường. Mặt nạ tạo một tấm phủ kín lên mũi và miệng, cũng như có thể che mắt và các mô mềm dễ bị tổn thương khác của khuôn mặt.

Đặc thù chung cư cao tầng nên thiết bị không thể thiếu khi phòng cháy là thang dây, thang thoát hiểm để thoát nạn từ tầng cao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn