MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hải Tặc- vùng đảo hoang sơ tuyệt đẹp gắn với chuyện nhóm cướp Cánh buồm đen

Lục Tùng LDO | 06/06/2020 07:31

Đến đây, du khách không chỉ được đắm mình giữa thiên nhiên của quần đảo đậm chất hoang sơ, mà còn có dịp thả hồn trôi bồng bềnh theo dòng lịch sử để khám phá câu chuyện về nhóm cướp “Cánh buồm đen” một thuở chuyên cướp của người giàu giúp người nghèo...

Ngất ngây trước giờ khám phá

“Trong số hơn 100 hòn đảo ở Kiên Giang, quần đảo Hải Tặc có tiềm năng du lịch rất đặc biệt” - nhà nghiên cứu văn hóa dân giang Trương Thanh Hùng - nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang đã có lần nói với tôi như vậy. Thật vậy, với vị trí cách bờ biển Hà Tiên 28km, quần đảo Hải Tặc bao gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ của xã Tiên Hải (TP. Hà Tiên) có vị thế du lịch vô cùng hấp dẫn.

Khu du lịch quần đảo Hải Tặc. Ảnh: LT

Với vị trí này, du khách không mất quá nhiều thời gian cho chuyến khám phá. Chỉ cần khoảng 30 phút ngồi tàu cao tốc từ trung tâm Hà Tiên là đã đến nơi.

Thuyền ghe bên cầu cảng Hòn Tre. Ảnh: LT

Trước khi lên tàu ra đảo, du khách còn có cơ hội khám phá Hà Tiên với những dấu ấn văn hóa đã đi vào lịch sử, nơi mà sinh thời, nhà văn hóa Đông Hồ đã cô đúc thành tản văn: “Có một ít hang động của Lạng Sơn, vài ngọn đá chơi vơi ngoài biển, một ít thạch thất, sơn môn của Hương Tích, vài cảnh Tây Hồ, đôi nét Hương Giang, vài bãi cát Đồ Sơn, Cửa Tùng, Long Hải”.

Một góc Hòn Tre - hòn lớn nhất trong quần đảo Hải Tặc. Ảnh: LT

Với bề dày lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển, Hà Tiên đã và đang có thêm những tài nguyên do con người dầy công gầy dựng, như: Chùa Phù Dung; Chùa Tam Bảo... Nhưng độc đáo nhất, vẫn là khu lăng mộ họ Mạc. Nơi đây không chỉ ghi lại dấu thời gian về người có công lớn khai mở Hà Tiên mà còn là cái nôi khai sinh “tao đàn” thứ 2, sau “tao đàn” của vua Lê Thánh Tôn: Tao đàn Chiêu Anh Các.

Hấp dẫn từ tên gọi

Khác với một số đảo ở vùng biển Tây, dù khá gần đất liền, nhưng thiên nhiên ở Hải Tặc còn đậm chất hoang sơ với những bãi cát trắng trải dài bên sóng biển, những cánh rừng xanh lá như reo ca theo tiếng gió đòng vọng...

Cột mốc chủ quyền trên Hòn Tre. Ảnh: LT

Rất tình cờ, chúng tôi đi chung chuyến tàu với nhóm du khách của bà Ngô Thị Thu Minh - mẹ ruột ca sĩ Thủy Tiên. Khi đặt chân lên khu vực cột mốc chủ quyền được xác lập từ năm 1958, nằm bên bờ biển hình trăng khuyết, bà Minh đã thốt lên: “Đến đây lòng không chỉ thanh thản, bình yên mà còn có cả sự tự hào”.

Đặc biệt, do nhiều yếu tố tự nhiên, hải sản ở Hải Tặc rất đậm đà, nhất là ghẹ và ốc nhảy, sẽ mang đến du khách những trải nghiệm mới cho cảm xúc ẩm thực.  

Tuy nhiên, điều khiến cho du khách thêm hấp dẫn với Hải Tặc chính là nguồn gốc của “danh xưng lạ” này. “Sở dĩ quần đảo mang tên Hải Tặc bắt nguồn từ câu chuyện về nhóm cướp biển đã từng chọn quần đảo này làm đại bản doanh” - Chủ tịch UBND xã Tiên Hải Phan Hồng Phúc - người có gia đình sống nhiều đời ở đảo Hòn Tre (đảo lớn nhất trong quần đảo Hải Tặc) giới thiệu về danh xưng độc - lạ của hòn đảo. 

Ốc nhảy- món ăn đặc sản ở Hải Tặc. Ảnh: LT

Theo truyền khẩu của người đời trước, do quần đảo nằm ở vị trí chiến lược của con đường thương mại trên biển giữa Hà Tiên – Campuchia – Thái Lan và từ Trung Quốc sang các nước phương Tây... nên vào thế kỷ trước, nơi đây từng là “đất làm ăn” của nhiều toán cướp biển. Cũng vì thế đã khai sinh tên “Hải Tặc” cho cả quần đảo, trong đó khét tiếng nhất là nhóm cướp biển “Cánh buồm đen”.

Theo anh Phúc, một trong những điều khiến cho băng nhóm “Cánh buồm đen” lưu danh chính là tấm lòng trượng nghĩa cướp của người giàu rồi chia cho người nghèo”. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn