MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Metro số 1 sẽ hoàn thành cuối năm nay nhưng công ty vận hành đang thiếu nhân sự. Ảnh: Anh Tú

Hai tuyến Metro của TPHCM chờ gỡ hàng loạt vướng mắc

MINH QUÂN LDO | 07/06/2023 13:55

TP Hồ Chí Minh - Dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đang gặp hàng loạt vướng mắc cần sớm tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ.

Metro số 1 nguy cơ thiếu người vận hành

Tuyến Metro số 1 hiện đạt hơn 95% khối lượng, dự kiến hoàn thành cuối năm nay và khai thác thương mại đầu năm 2024. Số nhân sự cần tuyển dụng để đáp ứng yêu cầu vận hành, bảo trì tuyến Metro số 1 vào cuối năm 2023 là 706 người.

Tuy nhiên, Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt đô thị số 1 (HURC1 - đơn vị vận hành Metro số 1) từ khi thành lập năm 2015 đến nay mới có 36 nhân sự và đến nay có 21 người đã nghỉ việc. Nguyên nhân do HURC1 chỉ có vốn điều lệ 14 tỉ đồng nhưng đã sử dụng hết từ tháng 8.2021. Từ đó đến nay, người lao động công ty vẫn chưa được thanh toán lương và đóng các khoản bảo hiểm xã hội. Tổng các khoản nợ tính đến nay khoảng 7 tỉ đồng.

Hiện nay HURC1 đang phối hợp với tư vấn đào tạo khoảng gần 400 nhân sự, gồm: nhân viên lái tàu; kỹ thuật viên điều độ (quản lý vận hành tàu, lập kế hoạch vận hành tàu, điều tra, ứng phó sự cố trong vận hành…); quản lý nhà ga (phụ trách quản lý các hoạt động vận hành nhà ga an toàn, vé, trực tiếp điều hành toàn bộ hoạt động tại nhà ga...),…

Công ty cần thêm khoảng 300 nhân sự làm tại trụ sở chính và đội ngũ bảo trì, bảo dưỡng kỹ thuật đầu máy toa xe, đường ray,… để nhận chuyển giao công nghệ từ nhà thầu nhưng chưa thể tuyển dụng vì không có tiền.

Do đó, chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý đường sắt đô thị (MAUR) đang đứng trước viễn cảnh bị các nhà thầu xây lắp Metro số 1 khiếu kiện do không cung cấp được nhân sự để tiếp nhận đào tạo, chuyển giao công nghệ theo hợp đồng ban đầu.

Metro số 1 đang chạy thử đoạn trên cao. Ảnh: Anh Tú

Mới đây, HURC1 đã có công văn khẩn gửi UBND TP Hồ Chí Minh xin được tiếp tục tạm mượn 16 tỉ đồng từ quỹ dự trữ ngân sách Đảng của Đảng bộ thành phố. Số tiền này nhằm chi trả cho các khoản chuẩn bị nhân sự tiếp nhận đào tạo chuyển giao công nghệ và nợ bảo hiểm xã hội, lương nhân sự.

Về lâu dài, UBND TP Hồ Chí Minh đang kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục báo cáo Thủ tướng chấp thuận chủ trương giao TP Hồ Chí Minh quyết định mức vốn điều lệ HURC1 phù hợp với tiến độ thực tế, đồng thời đáp ứng mức vốn điều lệ tối thiểu theo quy định. TP Hồ Chí Minh trước mắt sẽ bổ sung vốn điều lệ 268 tỉ đồng cho HURC1.

Ngoài ra, Metro số 1 còn một số vướng mắc về cơ chế tài chính khi đang chờ Bộ Tài chính xúc tiến các thủ tục liên quan đến Thỏa thuận vay số 4 và ký kết phụ lục hợp đồng vay lại với khoản vay VN15-P5.

Metro số 2 tắc mặt bằng

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị (MAUR), công tác giải phóng mặt bằng Metro số 2 hiện đạt gần 87% (508/586 trường hợp bàn giao mặt bằng).

Gần 2 năm qua, giải phóng mặt bằng Metro số 2 rất chậm do tắc mặt bằng ở Quận 3. Trước đây quận này từng thực hiện thủ tục chi trả bồi thường, sau đó pháp lý dự án thay đổi nên địa phương phải cập nhật chính sách đền bù.

Trên địa bàn Quận 3 có 113 trường hợp bị ảnh hưởng, trong đó có 96 hộ gia đình, cá nhân và 17 tổ chức.

Hiện nay, chỉ có khoảng 40% hộ dân bàn giao mặt bằng bởi công tác thu hồi đất đang vướng vấn đề hệ số điều chỉnh giá, mức giá chưa thống nhất giữa các quận có dự án đi qua.

Hồi giữa tháng 3 năm nay, UBND Quận 3 có báo cáo, đề xuất phương án gỡ vướng. Trong đó, Quận 3 thống nhất vẫn giữ nguyên quan điểm đề xuất phương án hỗ trợ chênh lệch giá đất và chính sách bồi thường như đã đề xuất trước đây. Sau đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã lập tổ công tác tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng ở Quận 3.

Giải phóng mặt bằng Metro số 2 chưa rõ ngày hoàn thành. Ảnh: Minh Quân

Ngoài mặt bằng, Metro số 2 cần đẩy nhanh di dời hạ tầng kỹ thuật (thoát nước, cấp nước, điện lực, viễn thông). Tuy nhiên, công tác này vẫn còn vướng mắc liên quan đến lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng, nhất là các công trình viễn thông nên chưa triển khai.

Metro Số 2 chậm tiến độ còn dẫn đến 5 hiệp định vay vốn các nhà tài trợ đều hết hạn giải ngân. Trong đó có hai hiệp định vay Ngân hàng Phát triển châu Á, hai hiệp định vay Ngân hàng Tái thiết Đức và một hiệp định vay Ngân hàng Đầu tư châu Âu.

Theo Bộ Tài chính, kể từ thời điểm triển khai dự án (năm 2010) đến khi kết thúc giải ngân các hiệp định vay vốn (năm 2020), dự án Metro số 2 mới giải ngân được 20,13 triệu USD phần vốn vay và 18,52 triệu Euro phần vốn viện trợ.

Hiện UBND TP Hồ Chí Minh đang kiến nghị các bộ ngành liên quan sớm gia hạn các khoản vay và ký kết các khoản vay bổ sung với nhà tài trợ. Mới đây, ngân hàng Tái thiết Đức gửi thư xác nhận sẵn sàng cung cấp một khoản vay bổ sung trị giá 70 triệu USD cho dự án Metro số 2.

Sau nhiều lần trễ hẹn về đích, Metro số 2 đã được Chính phủ cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án với thời gian hoàn thành đưa vào khai thác năm 2030.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn