MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hầm đi bộ vắng vẻ, không một bóng người. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Hầm đi bộ ở Hà Nội đang dần bị lãng quên

Vĩnh Hoàng LDO | 10/07/2023 06:30

Được đầu tư xây dựng hàng tỉ đồng, song nhiều hầm đi bộ tại TP Hà Nội vẫn luôn trong cảnh vắng vẻ, ít người qua lại.

Hiện nay, Hà Nội có 23 hầm đi bộ đi vào hoạt động. Trong đó, Vành đai 3 có 17 hầm đi bộ, nút giao đường 32 với đường 70 có 4 hầm đi bộ, 2 hầm đi bộ ở nội thành là Ngã Tư Sở và nút giao Giải Phóng - Đại Cồ Việt, góp phần giải tỏa xung đột giao thông tại những điểm thường xuyên xảy ra tắc nghẽn.

Tuy nhiên, lượng người đi bộ dưới hầm đi bộ hàng tỉ đồng rất thưa thớt, chỉ lác đác vài người đang tập thể dục, đây là một điều rất đáng tiếc so với kinh phí phải bỏ ra.

Hầm đi bộ Ngã Tư Sở vắng người qua lại. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Theo ghi nhận của Lao Động trong nhiều ngày qua cho thấy, tại hầm đi bộ Ngã Tư Sở, người dân có vẻ như đã "lãng quên" việc có hầm đi bộ tại đây, quang cảnh phía dưới vô cùng vắng vẻ.

Đa phần người sử dụng hầm đi bộ là người dân sống quanh khu vực dùng để đi thể dục, đạp xe buổi sáng, hoặc người bán hàng vào tránh nắng, tránh mưa.

Người dân thường sử dụng hầm đi bộ để tập thể dục, đạp xe buổi sáng. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Hầm đi bộ Ngã Tư Sở dài gần 500m đi theo vòng tròn với 12 cửa đặt 4 góc đường Tây Sơn - Láng, Láng - Nguyễn Trãi, Nguyễn Trãi - Trường Chinh, Trường Chinh - Tây Sơn, mỗi cửa đều có 3 lối lên xuống dành cho người đi bộ, xe đạp.

Đồng thời, hệ thống đèn chiếu luôn được thắp sáng, hằng ngày có nhân viên vệ sinh quét dọn sạch sẽ, thông thoáng.

Song thực tế, việc người dân sử dụng hầm đi bộ để sang đường rất ít, thi thoảng có lác đác vài người đi.

Dưới hầm có rất nhiều bảng chỉ dẫn được đặt song song hai hướng đường đi và ở mỗi cửa lên xuống, cùng với đó là hệ thống đèn điện chiếu sáng 24/24. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Anh Nguyễn Thái Sơn (24 tuổi, Thượng Đình, Thanh Xuân) cho biết, việc hầm đi bộ quá vắng vẻ đã tạo ra tâm lí ngại đi xuống cho người dân.

"Vì rất ít người qua lại dưới đây nên tôi chỉ sử dụng hầm đi bộ vào buổi sáng, nếu vào buổi tối, tôi sẽ đi cùng bạn hoặc hạn chế đi xuống đây", anh Sơn nói.

Anh Nguyễn Thái Sơn tỏ ra tiếc nuối khi hầm đi bộ luôn trong cảnh vắng vẻ. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Anh Sơn cho biết thêm, đa phần người dân đều chọn đi qua vạch kẻ đường cho người đi bộ để tiết kiệm thời gian.

"Theo tôi thiết kế bậc thang xuống hầm không hợp lí, khi phải bước rất nhiều bậc mới có thể xuống đường đi, đồng thời độ dốc bậc thang tại đây cũng khá lớn, rất xa nhau. Vậy nên, việc đi qua đường tại vạch kẻ đường cho người đi bộ sẽ nhanh hơn việc đi xuống hầm", anh Sơn nói.

Xe máy án ngữ ngay lối lên xuống của hầm đi bộ dọc đường Phạm Hùng. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Tại hầm đi bộ dọc đường Phạm Hùng, trái với hình ảnh bên ngoài xe cộ đông đúc di chuyển, thì bên dưới hầm đi bộ không có một bóng người di chuyển, đi lại.

Hầm đi bộ dọc tuyến đường Phạm Hùng không có một bóng người. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Theo Ban Duy tu các công trình giao thông Hà Nội, hàng ngày, đơn vị vẫn duy trì từ 1-2 người tại mỗi khu vực hầm đi bộ từ 6 giờ - 22 giờ.

Công nhân trông giữ hầm có trách nhiệm lau dọn, đóng mở cửa hầm và phối hợp với lực lượng chức năng ngăn chặn các hành vi phạm tội cũng như tệ nạn xã hội xảy ra dưới hầm đi bộ.

Thay vì sử dụng hầm đi bộ, người dân vẫn chọn đi trên đường để tiết kiệm thời gian. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn