MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
khu Mả Lạng (Quận 1) thường là những con hẻm nhỏ, lực lượng PCCC gặp khó khăn trong việc tiếp cận khi xảy ra sự cố cháy nổ. Ảnh: Minh Tâm

Hạn chế nguy cơ cháy nổ tại TPHCM khi nắng nóng kéo dài

Minh Tâm - Ngọc Ánh LDO | 27/03/2024 09:28

Hai tháng qua, TPHCM trong giai đoạn hanh khô, nắng nóng gay gắt, cũng là khoảng thời gian nhiều người lao động sống trong những khu nhà chật hẹp, không đảm bảo an toàn, bất an trước nguy cơ cháy nổ.

TPHCM là nơi thu hút rất đông người lao động nhập cư đến sinh sống, làm việc, và phần lớn đều thuê trọ.

Theo ghi nhận của phóng viên, đa phần người lao động sinh sống chủ yếu trong các nhà trọ nhỏ hẹp, xây dựng lâu năm. Trong đó, không ít khu nhà ở đã xuống cấp, không đáp ứng được các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy (PCCC), tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy nổ.

Nếu có cháy, không biết chạy đi đâu

Ghi nhận tại khu Mả Lạng (Quận 1), nơi được mệnh danh là khu “siêu ổ chuột” giữa trung tâm TPHCM. Suốt nhiều năm nay, nhiều người dân, người lao động thuê trọ phải sống trong nỗi bất an vì nguy cơ cháy nổ, đặc biệt là trong mùa nắng nóng kéo dài.

Khu Mả Lạng có hàng trăm căn nhà lụp xụp, diện tích dưới 20m2, thậm chí có căn chỉ rộng khoảng 3-4m2. Các hộ dân sống trong cảnh chật chội, ẩm thấp và thiếu ánh sáng. Xuyên suốt dãy nhà ngoằn ngoèo, hiếm thấy sự xuất hiện của bảng tiêu lệnh, nội quy PCCC hay bình chữa cháy mini.

Gắn bó gần như cả đời tại khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh, ông Nguyễn Văn Hùng là một trong số những cư dân mong mỏi ngày giải tỏa nhất.
“Sau khi nhận được tiền đền bù, tôi sẽ chuyển đi nơi khác ngay. Ở đây chật chội vô cùng, chưa kể có xảy ra hỏa hoạn cũng chẳng biết phải xoay xở thế nào”, ông Hùng chia sẻ.

Ở tuổi 67, ông Hùng vẫn là trụ cột kinh tế trong gia đình. Ông cùng vợ nương tựa vào số tiền ít ỏi từ vài ba cuốc xe ôm mỗi ngày. Cặm cụi làm việc hàng chục năm vẫn không có khoản dư nào, ông và vợ chưa dám nghĩ đến việc chuyển đến nơi ở khác an toàn hơn. Đôi vợ chồng già chỉ biết ngậm ngùi với cuộc sống tạm bợ.

Ông Hùng là một trong số hàng nghìn người lao động nghèo đang thấp thỏm sống qua ngày tại đây. Không ít căn nhà tại khu “tứ giác vàng” được dựng tạm bằng ván gỗ, trước nhà còn treo đầy túi nilon, miếng bạc, vải vụn - vốn là các vật liệu tiềm ẩn rủi ro cháy nổ. Khi được hỏi nếu xảy ra cháy sẽ làm gì, họ đều ngán ngẩm trả lời: “Cháy thì cũng chẳng biết chạy đi đâu”.

Gia đình 4 người của chị Nguyễn Thị Liên sống trong căn nhà 10m2, không có cửa sổ, cửa nhà được thiết kế chỉ vừa đủ cho một người trưởng thành ra vào. Sau khi nghe báo đài đưa tin về các vụ cháy, chị Liên mua sẵn một bình chữa cháy mini đặt trong nhà để phòng. Tuy vậy, nỗi lo lắng về nguy cơ cháy nổ vẫn thường trực trong chị.

Chị Liên kể vào khoảng năm 2017, ở khu này từng có cháy nổ, do nhà san sát nhau nên lửa lan nhanh. Chưa kể con hẻm nhỏ khiến lực lượng PCCC tiếp cận gặp không ít khó khăn.

“May lần đó không có thiệt hại về người nhưng vẫn khiến tôi bất an về cháy nổ khi TPHCM đang là mùa nắng nóng”, chị Liên nói.

Người dân cần chủ động PCCC

Ông Vũ Đình Khánh (đại diện Trung tâm Kiểm định PCCC Phương Nam) cho biết, do đặc thù ở các đô thị lớn ở Việt Nam thiết kế nhà ở có lối thoát hiểm hạn chế nên khi cháy xảy ra thường gây thiệt hại về người.

“Các gia đình cần trang bị các thiết bị cảnh báo cháy như đầu báo khói, đầu báo nhiệt, camera có chức năng báo cháy... để kịp thời xử lý khi hỏa hoạn xảy ra”, ông Khánh nói.

Theo ông Khánh, từng gia đình phải tự ý thức cao về PCCC và bắt buộc phải được trang bị các kiến thức, kỹ năng khi xảy ra hỏa hoạn để ứng phó như: Biết cách thoát khỏi đám cháy, biết sử dụng các thiết bị chữa cháy…

“Có 2 yếu tố then chốt mà người dân cần nắm để phòng cháy, chữa cháy. Thứ nhất, cần trang bị hệ thống cảnh báo và chữa cháy trong nhà. Thứ hai, cần học những cách ứng phó với cháy nổ để giảm nguy cơ, hậu quả nặng nề về người”, ông Khánh cho biết.

Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (PC07) Công an TPHCM cho hay, do nắng nóng gay gắt, cháy, nổ do chập điện ở thành phố tăng.

Theo PC07, người dân ra khỏi nhà cần ngắt cầu dao điện, không đốt vàng mã trong nhà, cần thay mới, sửa chữa các thiết bị điện, hệ thống điện xuống cấp, hư hỏng...

Đồng thời, sử dụng điện tiết kiệm, tắt các thiết bị điện khi không dùng tới nhằm tránh bị quá tải gây nóng, chạm chập điện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn