MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hạn chế về kinh phí gây khó trong việc duy tu, sửa chữa hạ tầng giao thông

Phương Ngân LDO | 09/04/2023 12:24

TP Hồ Chí Minh có tốc độ đô thị hóa nhanh vì vậy mạng lưới giao thông và hạ tầng kỹ thuật hiện đang phải chịu nhiều áp lực. Các công trình đang dần xuống cấp, trong khi nguồn kinh phí duy tu, sửa chữa có hạn nên không thể sửa chữa kịp thời toàn bộ công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn.

Tại chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” tháng 4.2023 với chủ đề "Quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật" được diễn ra ngày 9.4, nhiều cử tri TP Hồ Chí Minh đánh giá cao việc đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật kết nối với hạ tầng xã hội thành phố, đáp ứng nhu cầu đi lại và tạo được sự thuận tiện cho người dân.

 Đường Bưng Ông Thoàn, phường Tăng Nhơn Phú B, TP. Thủ Đức, hư hỏng nghiêm trọng khiến người dân đi lại khó khăn. Ảnh: Anh Tú

Tuy nhiên, hiện hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật: Cầu, đường, hầm, vỉa hè,... đang dần xuống cấp. Công tác quản lý và bảo trì kết cấu công trình chưa đáp ứng được sự phát triển của đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh. Do đó, vấn đề duy tu, sửa chữa hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật là vấn đề mà nhiều cử tri thành phố quan tâm.

Ông Võ Khánh Hưng - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh, cho biết, công tác quản lý cũng như duy tu, bảo trì, sửa chữa hệ thống hạ tầng giao thông của thành phố hiện nay được phân cấp quản lý cho các đơn vị là Sở GTVT; các đơn vị quận, huyện và TP Thủ Đức; các khu đô thị có Ban Quản lý và các dự án của các chủ đầu tư đang thực hiện.

Về phía Sở GTVT hiện đang quản lý trên 1.500 km đường với kinh phí được thành phố đầu tư hàng năm khoảng 1.600 tỉ đồng. Đối với UBND cấp quận, huyện và TP Thủ Đức với kinh phí được thành phố đầu tư hàng năm khoảng 800 tỉ đồng.

 Kinh phí có hạn nên việc sửa chữa một số tuyến đường bị hư hỏng gặp khó khăn. Ảnh: Anh Tú

"Việc duy tu, sửa chữa, Sở GTVT tổ chức thực hiện theo 2 hình thức: Duy tu, bảo trì, sửa chữa thường xuyên theo kế hoạch của từng năm. Hình thức thứ 2 là lập các báo cáo kinh tế - kỹ thuật để sửa chữa tương tự như là các dự án đầu tư xây dựng. Trong thời gian qua, chúng tôi nhận định, việc duy tu, sửa chữa đã được nâng lên, kinh phí để thành phố đầu tư cho việc này đã được quan tâm nhiều hơn và đem lại một số kết quả nhất định", ông Hưng nói.

Tuy nhiên, theo ông Hưng, trong quá trình triển khai thực hiện cũng có những lúc, những khu vực, việc tổ chức thực hiện duy tu, bảo trì chưa đảm bảo. Bên cạnh đó, tình trạng một số tuyến đường, nhất là ở các dự án đầu tư, sau khi chủ đầu tư đã triển khai thực hiện thì công tác bảo trì không được quan tâm.

"Có những trường hợp chủ đầu tư đã không quản lý, đã giải thể... Đây cũng là những điều tạo ra sự tồn tại gây bức xúc trong bà con nhân dân. Mặt khác, vấn đề kinh phí đầu tư cũng chỉ đáp ứng được ở một mức độ nhất định, khoảng 50% so với định ngạch. Do đó, đôi khi có một số tuyến đường cần thiết phải duy tu, bảo trì thì cũng khó khăn, chậm lại do vấn đề kinh phí", ông Hưng chia sẻ.

Qua chương trình, Thường trực HĐND thành phố đề nghị lãnh đạo UBND thành phố quan tâm một số nội dung: Nhanh chóng số hóa dữ liệu, hồ sơ để phục vụ tốt cho công tác quản lý, bảo trì, sửa chữa, khắc phục sự cố; theo dõi tình trạng công trình đường bộ, thanh kiểm tra việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hạ tầng kỹ thuật bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa định kỳ và đột xuất; có giải pháp hoàn thiện hệ thống cống thoát nước dọc các tuyến đường trên địa bàn các huyện ngoại thành, đặc biệt là huyện Bình Chánh để có giải pháp hiệu quả, giải quyết tình trạng ngập cục bộ trên các tuyến đường, đảm bảo an toàn cho người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn