MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ nay đến năm 2030, TPHCM có 80 phường phải sắp xếp. Ảnh: Anh Tú

Hạn chế xáo trộn, hỗ trợ người dân khi sáp nhập hàng loạt phường, xã

MINH QUÂN - Khánh An LDO | 03/04/2024 10:30

Vận dụng các yếu tố đặc thù về lịch sử, văn hóa, tôn giáo, dân cư để giảm số lượng phường xã sáp nhập qua đó hạn chế xáo trộn, cải cách thủ tục hành chính... là những giải pháp mà Hà Nội và TPHCM đang đưa ra trong lộ trình sắp xếp lại hàng loạt phường xã không đủ tiêu chí về dân số và diện tích.

TPHCM đề xuất giữ lại 36 phường thuộc diện sáp nhập

Theo phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 của TPHCM, thành phố có huyện Nhà Bè thuộc diện khuyến khích sắp xếp nhưng UBND TPHCM đề xuất giữ lại vì huyện này đang được định hướng trở thành quận (hoặc thành phố) trực thuộc giai đoạn 2021 - 2030. Tương tự, qua rà soát, TPHCM có 129 xã, phường, thị trấn (thuộc các Quận 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận) thuộc diện sắp xếp và khuyến khích sắp xếp nhưng thành phố đề xuất giữ lại 36 phường vì có các yếu tố đặc thù như: Lịch sử, văn hóa, tôn giáo, dân cư hiện hữu đã vượt ngưỡng,...

Trao đổi với Lao Động, bà Trương Minh Kiều - Chủ tịch UBND Quận 5 - cho biết, đầu năm 2021, Quận 5 từng sáp nhập phường 15 vào phường 12 và sắp tới sẽ sáp nhập thêm 8 phường khác thành 4 phường. Có 2 phường thuộc diện sáp nhập nhưng được đề xuất giữ lại là phường 13 và 14 do đây là 2 phường có quy hoạch đô thị tương đối đẹp, liền kề nhau, có hoạt động thương mại nhộn nhịp và đóng góp lớn cho ngân sách.

Ông Nguyễn Trí Dũng - Chủ tịch UBND quận Gò Vấp - cho biết, quận có 8 phường không đủ diện tích và dân số, cần phải sáp nhập, gồm: Nhập phường 1, 4, 7 thành phường 1; phường 8 và 9 thành phường 8; phường 14 với một phần phường 13 thành phường 14; phường 15 với một phần phường 13 thành phường 15.

Chủ tịch UBND quận Gò Vấp đánh giá đây là phương án ít ảnh hưởng nhất đến người dân và bộ máy hành chính bởi nếu điều chỉnh địa giới hành chính, thay đổi tên phường càng nhiều thì ảnh hưởng đến người dân càng lớn khi phải đổi giấy tờ.

Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển đổi giấy tờ

Đại diện Sở Nội vụ TPHCM cho biết, để đảm bảo tính ổn định cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đồng thời phù hợp với Đề án quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, thành phố tiến hành rà soát xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cả 2 giai đoạn 2023 - 2025 và 2026 - 2030 thực hiện sắp xếp chung một lần.

TPHCM rất cân nhắc để vừa thực hiện chủ trương chung nhưng ít quá tải đến bộ máy sau sáp nhập. Thực tế ở các quận, khi nhập 2 phường thì dân số tăng gấp đôi nhưng diện tích vẫn không đủ, nhiều quận phải nhập 3 phường thành một phường.

Khi sáp nhập, số lượng hồ sơ, doanh nghiệp, khối lượng công việc tăng gấp đôi, gấp ba nhưng bộ máy giảm một nửa. Một vấn đề khó khăn khác mà thành phố phải đối mặt là sắp xếp cán bộ, công chức ở các phường cũ, bên cạnh thay đổi giấy tờ của người dân, doanh nghiệp.

Bà Trần Kim Yến - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM cho hay, hầu hết người dân mong muốn việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn sẽ được thực hiện đúng kế hoạch với phương án hợp lý, khoa học đồng thời, việc sắp xếp cần đánh giá toàn diện, đồng bộ về điều kiện tự nhiên, lịch sử, kinh tế, văn hóa. “Khi sắp xếp phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, nhất là trong việc chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan” - bà Trần Kim Yến nói.

Còn tại Hà Nội, chủ trương của thành phố là hỗ trợ tối đa cho công dân khi thay đổi giấy tờ tùy thân, giải quyết các hồ sơ, thủ tục hành chính có liên quan do thay đổi tên gọi địa giới hành chính.

“Thành phố sẽ có chỉ đạo cụ thể nội dung này trong thời gian tới. Việc giải quyết chuyển đổi giấy tờ thủ tục hành chính do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã được thành phố chỉ đạo công an thành phố thực hiện giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (về nhân thân) cho người dân theo cơ chế thành phố hỗ trợ toàn bộ” - Giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội Trần Đình Cảnh khẳng định.

Theo ông Cảnh, trước đây - trong giai đoạn 1 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại một số địa phương đã hỗ trợ người dân theo hướng công an thành phố xuống tận địa bàn thôn, tổ dân phố để làm thủ tục hành chính cho người dân, nên người dân có thể yên tâm về vấn đề này.

Từ kinh nghiệm đó, trong lần sắp xếp này, đối với toàn bộ giấy tờ thủ tục hành chính để thay đổi địa danh, tên gọi của đơn vị hành chính, Ban Chỉ đạo thành phố đã có chỉ đạo công an thành phố và các cơ quan chuyên môn thành lập các tổ công tác xuống trực tiếp thôn, tổ dân phố để hỗ trợ người dân với mục tiêu nhanh nhất có thể, không bị gián đoạn.

Tại phiên họp Ban chỉ đạo thực hiện sắp xếp huyện xã giai đoạn 2023-2030 mới đây, đại diện Bộ Công an cho biết, việc sáp nhập huyện xã sẽ thay đổi tên gọi đơn vị hành chính nên một số trường thông tin của người dân sinh sống ở đó sẽ thay đổi. Vì vậy, Bộ Công an sẽ chạy lại hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cập nhật các thay đổi này. Với một số trường thông tin ở giấy khai sinh như nơi sinh, quê quán, Bộ Công an sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp để chạy trên toàn hệ thống, có điều chỉnh cụ thể ở từng trường hợp. Bộ Công an sẽ có chỉ đạo cụ thể sau khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về sắp xếp đơn vị hành chính.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn