MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân ở Đắk Nông cố vét những giọt nước cuối cùng để cứu cây trồng trong mùa khô hạn. Ảnh: Phan Tuấn

Hạn hán khốc liệt, diễn biến khó lường tại Tây Nguyên

Nhóm PV Tây Nguyên LDO | 25/04/2024 07:33

Chưa năm nào hạn hán trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên lại diễn biến phức tạp khó lường như năm nay. Hiện các ngành chức năng và người dân nơi đây đang gồng mình triển khai các giải pháp chống hạn, hạn chế thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra.

Nắng nóng gay gắt, nguồn nước hầu như cạn kiệt

Nhiều ngày qua, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên liên tục xảy ra tình trạng nắng nóng gay gắt. Ở nhiều nơi như: Ayun Pa (Gia Lai), Cư Jút (Đắk Nông), Ea Súp (Đắk Lắk)... được xem là chảo lửa bởi sức nóng lên đến 40℃.

Bên rẫy cà phê rộng hơn 10 hécta, ông Bùi Chính, ở xã Ia Nan, huyện Đức Cơ (Gia Lai) bần thần lo lắng khi lá của cây trồng bắt đầu ngả màu vàng, cháy khô vì thiếu nước tưới. Theo ông Chính, dòng suối cách rẫy chừng 500m khô cạn, trơ đáy.

“Ẩn sâu dưới lớp bùn dày, nếu chịu khó nạo vét vẫn còn ít nước đọng lại. "Còn nước còn tát" tôi cố gắng được chút nào hay chút đó, làm sao hạn chế thấp nhất thiệt hại cho gia đình” - ông Chính hy vọng.

Theo ông Nguyễn Bá Luân, ở xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil (Đắk Nông), đây là năm hạn nặng nhất trong vòng mấy chục năm qua. Thời tiết ngày càng nắng nóng khiến các nguồn nước ở đây hầu như đều cạn kiệt.

Nhiều hồ đập trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã cạn kiệt nguồn nước. Ảnh: Phan Tuấn

Tập trung chống hạn, hỗ trợ người dân

Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Gia Lai có 275,8 hécta cây trồng bị hạn, ước giá trị thiệt hại khoảng 7,26 tỉ đồng. Liên quan đến công tác chống hạn, ông Vũ Ngọc An - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai - cho biết, trước mắt các đơn vị phải hướng dẫn người dân chủ động, linh hoạt tích trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, triệt để chống thất thoát, lãng phí nguồn nước.

Các huyện bị hạn hán xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước để bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân, không để người dân thiếu nước sinh hoạt. Trường hợp cần thiết phải huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển nước để cung cấp cho người dân.

Thống kê của Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk, trong mùa khô năm 2024, tổng diện tích cây trồng cần tưới khoảng 433.579 hécta. Thế nhưng, hiện toàn tỉnh Đắk Lắk đã có 44 địa điểm đã cạn nước. Ngoài ra, có đến 139 hồ có dung tích hiện tại dưới 50% và 135 hồ có dung tích hiện tại còn từ 50% đến dưới 70%.

Theo Lãnh đạo Chi cục Thủy lợi tỉnh Đắk Lắk, trước mắt, tại một số điểm ở địa bàn huyện Krông Bông, cơ quan chức năng đã đặt 2 trạm bơm dã chiến tại suối Krông Mar và Sông Krông Ana để phục vụ chống hạn cho hơn 100 hécta ở khu vực này. Huyện Krông Bông còn phối hợp với Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi tỉnh cấp nước chống hạn cho cánh đồng Bình An, Cầu Ri, Đồng Tâm (xã Hòa Tân)... với diện tích rất lớn.

Tại huyện Krông Búk (Đắk Lắk) trước tình hình một số công trình thủy lợi đã cạn nước, cơ quan chức năng đã lập tức hỗ trợ, giúp người dân đào các giếng nhỏ trong lòng hồ để tận dụng nguồn nước phục vụ công tác chống hạn.

Tại tỉnh Đắk Nông, trong thời gian tới nếu thời tiết không thuận lợi, sẽ ảnh hưởng tới diện tích trên 28.000 hécta cây trồng các loại.

Liên quan đến vấn đề chống hạn, tại cuộc họp hôm 22.4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên yêu cầu tập trung vào các giải pháp có tính dài hơi trong phòng chống hạn như việc nạo vét, sửa chữa, nâng cấp công trình, sử dụng ngân sách dự phòng để hỗ trợ người dân nạo vét, xây dựng các ao hồ nhỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn