MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn nhận định, mùa khô năm 2024 hạn mặn sẽ gay gắt khả năng thiếu nước ngọt sinh hoạt vào thánh 3.2024. Ảnh: Nhật Hồ

Hạn mặn bủa vây, Bạc Liêu tính bỏ vụ lúa trên 32.000ha

Nhật Hồ LDO | 20/01/2024 09:46

Đầu mùa khô năm 2024 nhưng nhiều nơi mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền. Hạn mặn đe dọa hàng chục nghìn hécta lúa, hoa màu. Trong khi đó, hầu hết các cánh rừng đều đang đứng trước báo động cháy cấp 4.

Hạn mặn sẽ khốc liệt

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mùa khô năm 2023-2024, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, tương đương với năm 2020-2021, trong thời kỳ cao điểm (khoảng tháng 2 đến tháng 4 năm 2024) có thể xảy ra thiếu nước ngọt cục bộ, xâm nhập mặn vào sâu các cửa sông.

Tại Bạc Liêu, ông Lai Thanh Ẩn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bạc Liêu, cho biết, trong những ngày tới, hạn mặn có thể sẽ ảnh hưởng đến các vùng sản xuất trong tỉnh.

Trước tình hình này, UBND tỉnh Bạc Liêu đã có những dự báo và chủ động có kịch bản ứng phó. Trong mùa khô năm 2023-2024, sản xuất vụ lúa đông xuân và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu sẽ gặp khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn gia tăng từ tác động của El Nino.

UBND tỉnh Bạc Liêu đã lên ba kịch bản ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn của mùa khô năm nay, tương ứng với từng tình huống cụ thể. Theo đó, nếu hạn hán, xâm nhập mặn ít gay gắt so với mùa khô năm 2015-2016 thì giữ nguyên kế hoạch sản xuất đã xây dựng từ đầu năm 2023 với diện tích lúa tôm là 46.275ha, lúa đông xuân là 47.575ha, diện tích rau màu hơn 18.000ha và nuôi trồng thủy sản 146.088ha.

Tuy nhiên với tình huống hạn hán, xâm nhập mặn tương đương mùa khô năm 2015-2016, sẽ giảm 2.900ha lúa đông xuân ở nơi có nguy cơ thiếu nước ngọt.

Còn tình huống hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt hơn mùa khô năm 2015-2016 thì sẽ bỏ vụ đông xuân chính vụ là 32.236ha (gồm huyện Vĩnh Lợi, huyện Hòa Bình, thị xã Giá Rai và một phần thuộc huyện Phước Long).

Diện tích rau màu sẽ giảm còn 14.330ha, không bố trí sản xuất rau màu các vùng trũng thấp, dễ bị xâm nhập mặn.

Ứng phó với hạn, mặn

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Giá Rai Đỗ Minh Thắng cho biết, để bảo vệ 7.000ha lúa trên đất tôm, thị xã đã đầu tư xây dựng 21 cống trị giá 114 tỉ đồng cùng các ô đê bao khép kín để chủ động ngăn mặn, trữ ngọt.

Nhờ vậy, dù là địa phương cuối nguồn nước ngọt, nhưng sản xuất lúa trên đất tôm năm 2023-2024 của nông dân vẫn đảm bảo đủ nước, sản xuất, trúng mùa.

Tương tự, tại huyện Đông Hải, địa bàn tiếp giáp với biển, nên nguy cơ thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn rất cao.

Ông Trần Tuấn Kiệt, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đông Hải cho hay, với quyết tâm bảo vệ tốt phát triển sản xuất, Ủy ban Nhân dân huyện đã chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện nghiêm lịch thời vụ sản xuất. Đối với mô hình nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, khuyến cáo mô hình nuôi tôm sú chỉ nuôi 1 vụ/năm, tôm thẻ chân trắng 2 vụ/năm. Cùng với đó, tập trung gia cố bờ bao, cống bọng, nạo vét các tuyến kênh nội đồng để trữ nước trên ao nuôi, nhằm đảm bảo nguồn nước cấp khi cần thiết.

Bạc Liêu là một trong những tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng hạn hán, mặn xâm nhập nội đồng...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn