MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cống Âu thuyền Ninh Quới giúp điều tiết nước, kiểm soát mặn, giữ ngọt cho vùng trồng lúa, màu và nuôi tôm của các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang. Ảnh: Phương Anh

Hạn mặn đe doạ hàng nghìn hécta, ĐBSCL khẩn trương ứng phó

NHÓM PV LDO | 29/01/2024 14:31

Các tỉnh ĐBSCL đang bước vào mùa khô 2023-2024 được dự báo tình hình hạn hán, xâm nhập mặn sẽ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nguy cơ thiếu nước ngọt cục bộ. Để bảo vệ mùa vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân các địa phương đang khẩn trương ứng phó.

Hàng nghìn hécta có nguy cơ thiệt hại

Theo nhận định của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, mùa khô 2023-2024 xâm nhập mặn xuất hiện sớm hơn 1 tháng so với trung bình nhiều năm. Dự báo từ giữa tháng 1 đến đầu tháng 3, ranh mặn 4g/l xâm nhập sâu vào nội đồng từ 50-65km, nếu hạn chế xả nước thượng lưu có thể làm xâm nhập mặn sâu đến 55-70km.

Do đó, có nguy cơ khiến hàng nghìn hécta lúa, cây ăn trái, hoa màu ở các địa phương ven biển ĐBSCL bị ảnh hưởng.

Tại tỉnh Sóc Trăng, hiện có khoảng 30.000ha lúa Đông Xuân muộn, giai đoạn từ mạ đến đẻ nhánh - đây là thời điểm cây cần nhiều nước để phát triển.

Ông Phạm Tấn Đạo - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng - cho hay, nếu độ mặn vượt ngưỡng 1,5‰, toàn bộ hệ thống cống phục vụ công tác trữ ngọt sẽ đóng hoàn toàn để ngăn mặn.

Khi đó, nguồn nước dự trữ chỉ phục vụ tối đa trong khoảng 15 ngày, nếu sau đó mặn giảm thì tiến hành lấy nước ngọt còn mặn kéo dài thì nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất là rất cao.

Tương tự, hơn 2.500ha sầu riêng tại tỉnh Bến Tre cũng sẽ có nguy cơ thiếu nước tưới nếu mặn xâm nhập gay gắt.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa ở huyện Châu Thành (Bến Tre) cho biết, có 2ha sầu riêng, loại cây này không chịu được nước mặn. Khoảng 1 tuần nay, mặn đã bắt đầu xâm nhập, ông và người dân ở đây không còn cách nào khác phải lấy nước có độ mặn dưới 0,1‰ để tưới.

“Hiện nay, đã tích trữ nước ở mương ruộng - đây cũng là biện pháp trước mắt. Nếu mặn cứ tiếp tục kéo dài thì bà con nơi đây đã tính đến phương án đấu nối ống kéo nước ngọt về để tưới cây ăn trái” - ông Nghĩa cho hay.

Còn tại tỉnh Hậu Giang có khoảng 12.000 - 16.000ha lúa Đông Xuân và Hè Thu, 18.500ha cây ăn trái có khả năng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn từ biển Đông và biển Tây.

Khẩn trương ứng phó

Theo ông Phạm Tấn Đạo - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, đối với diện tích lúa Đông Xuân muộn ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất trong khoảng 15 ngày nếu mặn xâm nhập.

“Những nơi chưa xuống giống lúa Đông Xuân muộn thì khuyến cáo người dân không nên sản xuất mà chuyển sang các mô hình hạn chế sử dụng nước ngọt như đưa màu xuống chân ruộng” - ông Đạo nói.

Ông Bùi Văn Thắm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bến Tre - cho biết, sở đã có yêu cầu nhà máy nước trên địa bàn lên các phương án để cung cấp nước ngọt kịp thời, đầy đủ cho người dân.

Tại Bạc Liêu, địa phương này cũng đã lên 3 kịch bản ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn của mùa khô năm nay, tương ứng với từng tình huống cụ thể.

Nếu hạn hán, xâm nhập mặn ít gay gắt so với mùa khô năm 2015 - 2016 thì giữ nguyên kế hoạch sản xuất đã xây dựng từ đầu năm 2023 với diện tích lúa tôm là 46.275ha, lúa Đông Xuân là 47.575ha, diện tích rau màu hơn 18.000ha và nuôi trồng thủy sản 146.088ha.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn