MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công ty Cấp nước Đà Nẵng phải sử dụng xe stec cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Nguyên Thi

Hạn mặn đe dọa nguồn nước sinh hoạt Đà Nẵng

Thùy Trang LDO | 27/03/2024 10:35

Các nhà máy thủy điện đang được yêu cầu giữ lại nước đến ngày 30.4 để đảm bảo cung ứng điện, trong khi mới đầu mùa khô, nước thô tại TP Đà Nẵng có lúc vượt ngưỡng quy chuẩn 20 lần vì sông thiếu nước đẩy mặn. Nhà máy nước đã phải “kêu cứu” vì trạm bơm ngừng hoạt động trong khi tỉnh Quảng Nam chưa thống nhất việc đắp đập Quảng Huế khiến nguồn nước sinh hoạt của Đà Nẵng bị đe dọa.

Thủy điện giữ lại nước, sông chảy lờ đờ nhiễm mặn

Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TP Đà Nẵng từ đầu năm đã tham mưu cho thành phố ban hành kế hoạch ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, nguồn nước sinh hoạt tại Đà Nẵng đang đối diện với nhiều khó khăn. Trong đó, quan trọng nhất là vướng mắc trong việc thực hiện vận hành liên hồ chứa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đại diện Sở TNMT TP Đà Nẵng nêu rõ, hiện nay, các nhà máy thủy điện đang vận hành theo rất nhiều quy trình, trong đó có quy trình vận hành liên hồ đảm bảo dòng chảy tối thiểu, cung cấp nước sinh hoạt cho hạ du.

Ngoài ra các nhà máy còn bị điều tiết bên ngành Công Thương, Nông nghiệp và mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có ban hành quy định bắt buộc, bằng mọi cách đảm bảo việc cấp điện an toàn.

“Mà để làm được điều này, nhà máy thủy điện Sông Bung 4 và A Vương (những thủy điện bậc thang nằm trên của dòng Vu Gia) phải vận hành theo điều tiết, có nghĩa là hạn chế phát điện tối đa, giữ nước đến ngày 30.4. Qua theo dõi, chúng tôi thấy cứ đến tối thứ 6 qua thứ 7, chủ nhật, nước trên sông chảy lờ đờ vì các nhà máy không phát điện, không xả nước.

Đây là vấn đề rất nguy hiểm, vì nhu cầu dùng nước ở địa phương thì thường xuyên nhưng với yêu cầu trữ nước như trên, có những ngày không phát điện đã khiến cho cuối tháng 2 vừa qua, tình hình nguồn nước tại Đà Nẵng có ngày khá căng thẳng” - một lãnh đạo Sở TNMT Đà Nẵng cho hay.
Chưa hết, nguồn nước tại Đà Nẵng đang bị đe dọa xâm nhập mặn do hiện nay đập Quảng Huế (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) bị sạt lở nghiêm trọng dẫn đến lượng nước chảy về sông Vu Gia bị giảm sút. Nhiều trạm bơm khu vực hạ du có ngày đã phải dừng hoạt động, nhà máy nước huyện Đại Lộc phải dừng cấp nước vài ngày, nhà máy nước Cầu Đỏ (Đà Nẵng) thì 1 trạm bơm ngừng hoạt động, 1 trạm “kêu cứu” liên tục vì chỉ còn chút nữa thôi là xuống mực nước chết.

Với những khó khăn trên, Sở TNMT TP Đà Nẵng cho biết, độ mặn trên sông Cầu Đỏ có thời điểm ghi nhận vượt hơn 20 lần quy chuẩn cho phép. Và, trong quy hoạch, các quy trình vận hành đập An Trạch (nguồn nước thô khi nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn) khẳng định không bao giờ nước ở đây dưới 1,6m, tuy nhiên với diễn biến thời tiết cực đoan, sạt lở đập Quảng Huế… khiến mực nước trên sông tại khu vực đập An Trạch đã có lúc hạ thấp nhất trong lịch sử, còn 1,24m (ghi nhận vào lúc 16h ngày 26.2).

Mực nước tại đập An Trạch, Đà Nẵng có thời điểm xuống thấp, trạm bơm không thể hoạt động. Ảnh: Nguyên Thi

Các sở ngành cần sớm vào cuộc, có ý kiến với bộ ngành trung ương

Trước thực tế trên, đại diện Sở TNMT TP Đà Nẵng nhấn mạnh, vì có rất nhiều văn bản chỉ đạo nên để các nhà máy thủy điện phát điện theo đúng tất cả quy trình sẽ rất khó. Vì vậy, giải pháp hiện nay là thành phố phải giám sát chặt chẽ việc vận hành của các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.

Qua đó, kịp thời phát hiện các vi phạm trong quá trình vận hành của các nhà máy thủy điện và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có ý kiến điều chỉnh, chấn chỉnh kịp thời, đảm bảo cấp nước trên địa bàn thành phố.
Sở TNMT TP Đà Nẵng cũng đề nghị Sở Xây dựng khai thác tối đa công suất của Nhà máy nước Hòa Liên (hoạt động từ năm 2023) khi nguồn nước tại sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn và mực nước tại đập dâng An Trạch hạ thấp.

Ông Nguyễn Đăng Huy - Giám đốc Sở NNPTNT TP Đà Nẵng - cho biết thêm: “Thời gian tới Bộ sẽ làm việc với TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, chúng tôi hy vọng khi đập Quảng Huế được đầu tư xây dựng bài bản sẽ khắc phục được những điều bất hợp lý hiện nay”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn