MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân Long An chờ lấy nước từ các xe cấp nước di động. Ảnh: An Long

Hạn mặn gay gắt, Đồng bằng sông Cửu Long phải thích ứng và sống chung

PHONG LINH LDO | 15/04/2024 06:39

Không phải chỉ ở mùa khô năm nay mà những năm qua, hạn hán, xâm nhập mặn đã là vấn đề nóng và cấp thiết tại khu vực ĐBSCL. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, hàng nghìn hộ dân trong khu vực vẫn còn chật vật với cảnh thiếu nước sạch, sụt lún, sạt lở...

Mùa hạn mặn đến sớm trên diện rộng

Theo Viện Khoa học Miền Nam, mùa khô năm 2023-2024, xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Từ tháng 1 đến đầu tháng 3.2024, ranh mặn 4‰ xâm nhập sâu vào nội đồng từ 50km-65km, có nơi đến 70km.

Riêng tại Bến Tre có nơi xâm nhập mặn còn sâu hơn ranh mặn sâu nhất năm 2016 - năm hạn mặn kỷ lục đã xảy ra ở ĐBSCL. Từ giữa tháng 3, độ mặn 4‰ đã xâm nhập đến ấp An Mỹ, xã An Khánh (huyện Châu Thành), cách cửa sông Cửa Đại 53km.

Tại tỉnh Kiên Giang, các van cống Cái Lớn đã vận hành để ngăn xâm nhập mặn khi độ mặn xâm nhập sâu trên sông Cái Lớn, Cái Bé. Trong khi đó, các tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau có thời tiết nắng hạn gay gắt dẫn đến bốc hơi nước diễn ra nhanh, việc bơm tát nước phục vụ sản xuất đã làm cho hầu hết các tuyến kênh, rạch đều khô cạn.

Nhiều tuyến kinh nội đồng tại Cà Mau đã khô kiệt nước. Ảnh: Nhật Hồ

Thiếu nước, sụt lún và sạt lở

Thống kê toàn tỉnh Sóc Trăng còn hơn 54.000 hộ dân chưa có nước sạch sử dụng và khoảng 21.000 hộ dân nông thôn trên địa bàn 36 xã/phường có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm nay.

Trên địa bàn tỉnh Cà Mau có khoảng 4.000 hộ gia đình đang phải dùng các biện pháp khẩn cấp để có nước sạch. Trong khi đó tại các tỉnh Bến Tre, Long An, Tiền Giang... người dân ở Bến Tre san sẻ cho nhau từng can, từng thùng nước ngọt để sinh hoạt. Trong sản xuất nông nghiệp, nông dân phải chủ động trữ ngọt từ trước.

Ông Đoàn Văn Út Xuân - một hộ dân trồng sầu riêng ở xã Xuân Hòa (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) - cho biết: “Nhờ có ao dự trữ nước cộng với hệ thống tưới nước tiết kiệm nên từ năm 2020 đến nay nên thời điểm mặn gay gắt, gia đình mới đảm bảo nguồn nước tưới cho sầu riêng, giúp cây tươi tốt”.

Trong khi đó, sạt lở, sụt lún đã và đang đe dọa người dân sinh sống ở vùng ngọt huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Toàn huyện đang có hơn 80 tuyến kênh, rạch đang trong tình trạng bị khô cạn, nguy cơ thiệt hại các công trình công cộng, nhất là lộ giao thông luôn ở mức cao.

Gần đây nhất là vụ cháy ở U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau vào ngày 10.4 đã gây thiệt hại khoảng 40ha rừng. Do đang trong thời gian cao điểm của mùa khô, nước dưới kênh trong khu vực còn rất ít, nhiều kênh không còn nước và gió mạnh, nên đến sáng ngày 11.4, đám cháy mới được khống chế.

Tương tự tại tỉnh Kiên Giang, xâm nhập mặn đã khiến tôm cua chết hàng loạt ở huyện An Biên. Nhiều hộ dân “trắng tay” và đành chấp nhận cải tạo, vệ sinh lại vuông nuôi tôm cho vụ sau.

Tại huyện U Minh Thượng, tính đến nay, tổng số đường giao thông sạt lở, sụt lún và có nguy cơ sạt lở, sụt lún lên gần 300 điểm với chiều dài hơn 8.100m, 26 căn nhà bị sạt lở, sụt lún.

Cần giải pháp lâu dài

Thực tế, các biện pháp tiết kiệm nước tối đa, tận dụng nguồn nước có sẵn tại nội đồng hay hỗ trợ nước miễn phí… cũng chỉ là những giải pháp tạm thời. Do đó, những công trình thiết thực, khuyến cáo mô hình sống chung với hạn mặn mới thật sự đi vào đời sống của người dân ĐBSCL.

Điển hình như Cống Bà Xẩm trên địa bàn xã Long Đức (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng). Từ khi có trạm bơm với công suất 10.000m3/giờ được lắp đặt tại cống đã giúp bơm các dòng nước ngọt cuồn cuộn vào bên trong giúp nông dân trong vùng có thêm lượng nước ngọt phục vụ nhu cầu sản xuất. Công trình cống Âu thuyền Ninh Quới ở huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) cũng đã đáp ứng được nhu cầu điều tiết nước, kiểm soát mặn, giữ ngọt cho vùng trồng lúa, màu và nuôi trồng thủy sản của các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang.

Tỉnh Sóc Trăng đã được Bộ NNPTNT phê duyệt đầu tư hệ thống cống dọc theo Quốc lộ Nam sông Hậu từ Cống Âu Rạch Mọp đến các hệ thống cống kéo dài đến An Lạc Thôn (huyện Kế Sách). Hiện nay Cống Âu Rạch Mọp thi công đạt tiến độ 50%, khi công trình này hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ giúp kiểm soát nước, bảo đảm cho vùng trồng cây ăn trái đặc sản của tỉnh.

Tại tỉnh Bến Tre, các cống Thủ Cửu, Bến Tre, Cái Quao, Vàm An Hóa, Vàm Nước Trong, Vàm Thom thuộc dự án Quản lý nước Bến Tre (Dự án JICA3) đang được Bộ NNPTNT đầu tư. Khi các công trình hoàn thành cùng với 1.644 cống hiện hữu thì cơ bản Bến Tre sẽ kiểm soát được hạn mặn, đảm bảo được an ninh nguồn nước.

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn - Cố vấn Khoa học, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ - vấn đề quan trọng hàng đầu trong việc ứng phó với hạn, mặn là phải thích ứng và sống chung.

Ông Tuấn cho rằng, ngành chức năng, địa phương cần tăng cường công tác quan trắc, diễn biến hạn mặn; truyền thông để bà con nắm được thông tin cũng như khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Cần xây dựng các công trình trữ nước ngọt có thể dựa vào kinh nghiệm của người dân hay đặc điểm từng địa phương. Điều quan trọng là nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt, trong đó ưu tiên áp dụng công nghệ xử lý nước mặn thành nước ngọt.

“Về sản xuất thích ứng với hạn, mặn, cần điều chỉnh thời vụ cũng dần giảm diện tích trồng lúa ở vùng không chủ động được nước ngọt, bởi lúa là cây cần rất nhiều nước. Thay vào đó chuyển qua một số cây trồng khác cần ít nước hơn. Những khu vực nào nuôi tôm được thì chuyển dần sang nuôi tôm nước lợ, nước mặn hoặc mô hình tôm - lúa, mô hình trồng năn tượng - nuôi tôm. Còn những vùng hạn mặn gay gắt, không thể cung cấp nước thì chấp nhận không canh tác gì cũng là một biện pháp để tránh thiệt hại” - PGS.TS Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

Theo Dự báo xâm nhập mặn trên khu vực Nam Bộ của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 11-20.4, xâm nhập mặn ở ĐBSCL có xu thế tăng dần vào những ngày cuối tuần, độ mặn tại các trạm ở mức lớn hơn độ mặn cao nhất tháng 4.2023. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở Cấp 2. Theo đó, chiều sâu ranh mặn 4‰ tại các cửa sông chính như sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây có phạm vi xâm nhập mặn 90-105km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại có phạm vi xâm nhập mặn 50-60km; sông Hàm Luông có phạm vi xâm nhập mặn 55-60km...

Mát lòng trong cơn khát

Tại huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, Ban chỉ huy quân sự (CHQS) đã tiếp nhận 2 chiếc xe tải quân sự cùng hệ thống bồn chứa là phương tiện cung cấp nước hằng ngày cho người dân. Lu, khạp, thùng, can nhựa… hay tất cả những gì tận dụng được đều có thể trở thành vật dụng chứa nước của từng gia đình.

Trung tá Trần Trung Dũng - Chính trị viên phó, Ban CHQS huyện Tân Trụ - cho biết: “Hằng ngày, cán bộ, chiến sĩ lấy nước để cung cấp cho người dân bảo đảm đủ nhu cầu sử dụng. Từ nay cho đến mùa mưa, Ban CHQS huyện Tân Trụ sẽ cố gắng bảo đảm cung cấp đầy đủ phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho những hộ thiếu nước”.

Tương tự, nước sạch về huyện U Minh, tỉnh Cà Mau đã khiến hàng chục hộ dân cảm động. Ông Nguyễn Văn Liếu (xã Khánh An, huyện U Minh) bày tỏ: “Chúng tôi rất mừng vì có cây nước đi ngang, thật sự rất vui!”.

Nhằm cung cấp nước sạch cho người dân, mới đây, UBND TP Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) có tờ trình gửi UBND tỉnh về việc đề nghị thuê sà lan vận chuyển khoảng 20.000m3 nước sinh hoạt ra xã đảo Tiên Hải với kinh phí khoảng 2 tỉ đồng. Trúc Linh

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn