MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Rễ cây lúa sau khi bị nhiễm nước mặn ở Kiên Giang. Ảnh: LT

Hạn mặn gây thiệt hại lúa ở Kiên Giang: Nhân tai nối giáo cho thiên tai

LỤC TÙNG LDO | 29/02/2020 12:48

Chỉ trong 1 tuần lễ, diện tích lúa bị hạn mặn gây hại ở Kiên Giang đã tăng lên trên 1.500ha. Con số này sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, nhưng nguyên nhân không chỉ đến từ sự khắc nghiệt của thiên tai... Hạn mặn cũng còn do người nuôi thủy sản bơm xả trực tiếp nước mặn trong quá trình nuôi ra các kênh nước ngọt và người trồng lúa dùng chính nguồn nước này để tưới lúa.

Thiệt hại rộng và chưa có điểm dừng

Đưa tay hướng ra đám ruộng vàng màu cháy lá, ông Phạm Văn Rạng, ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn (Hòn Đất), thở dài: “Hết đường cứu, lỗ nặng rồi!”.  Vụ đông xuân, ông Rạng xuống giống 6ha. Cây lúa đang phơi phới, đột nhiên héo lá, rồi ngả màu vàng cháy. Dù biết bị nước mặn xâm nhập, nhưng ông Rạng vẫn không cách nào cứu vãn vì không có nước ngọt để tháo rửa. Theo ước tính, thiệt hại đã lên đến 50%, nhưng con số này sẽ tiếp tục tăng dưới cái nắng nóng gay gắt như hiện nay. Với mức đầu tư 20 triệu đồng/ha, xem như ông Rạng đứng trước nguy cơ mất trắng cả trăm triệu đồng.

Đây cũng là tình cảnh của hàng ngàn hộ trồng lúa ở Kiên Giang đang gánh chịu trước tình trạng hạn mặn gây hại và đang gia tăng với tốc độ phi mã. Theo thống kê đến ngày 28.2 của Sở NNPTNT Kiên Giang, chỉ trong 1 tuần đã có thêm 1.508ha lúa bị gây hại, nâng tổng diện tích lúa đông xuân 2019-2020 bị thiệt hại do hạn mặn trong  toàn tỉnh lên 2.086ha. Chủ yếu tập trung tại các địa phương Hòn Đất, U Minh Thượng và Kiên Lương. Theo dự báo, con số này sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Bởi hiện nay, toàn tỉnh chỉ mới thu hoạch được 30% diện tích lúa đông xuân 2019-2020 (289.278ha)...

Tuy nhiên đáng lo hơn là chuyện “hậu” vụ lúa đông xuân. Bởi sau khi thu hoạch vụ, một số bà con lại tiếp tục “xé rào” khuyến cáo của ngành nông nghiệp, tiếp tục xuống giống. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện diện tích này lên đến gần 8.500ha. Và khả năng diện tích lúa này thiếu nước tưới, nước mặn xâm nhập gây thiệt hại trong thời gian là rất cao vì mùa khô đang bước vào cao điểm.

Nhân tai nối giáo cho thiên tai

Theo các nhà khoa học, nhiều khả năng hạn mặn năm 2020 sẽ vượt mặt trận hạn lịch sử 2015-2016, nguyên nhân là do thiên tai đồng loạt bùng phát. Tiến sĩ Tô Văn Trường - chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường - chia sẻ: Bên cạnh ảnh hưởng của El Nino toàn khu vực Đông Nam Á, dẫn đến lượng mưa ít hơn so với bình thường trên diện rộng, ĐBSCL còn gánh thêm thiệt hại kép từ nạn mưa ít trong mùa mưa năm 2019. Cụ thể, lượng mưa tháng 7.2019 thiếu hụt lên tới 65%, đặc biệt khu vực thượng nguồn Mê Kông, mưa giảm nhiều và chỉ đạt trung bình 20% so với nhiều năm, khiến dòng chảy từ thượng nguồn giảm... Tất cả những yếu tố này đã dồn đẩy hạn mặn ở ĐBSCL xuất hiện sớm và dễ dàng lên đỉnh của sự gay gắt.

Theo ông Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc Sở NNPTNT Kiên Giang - mùa khô năm nay đến sớm hơn cả mùa khô kỷ lục năm 2015-2016 đến những 20 ngày và sớm hơn trung bình năm 2019 với tính chất ác liệt hơn. Cụ thể, ngay từ đầu tháng 2.2020, nước mặn (4,0g/lít) đã lấn sâu vào sông Cái Lớn đến gần 50km và sông Cái Bé gần 30km...

Đến ngày 7.2 Kiên Giang ban bố tình trạng hạn hán, mặn toàn tỉnh. Đã vậy, con người lại “nối giáo” cho thiên tai. Điển hình là tại xã Bình Trị và Kiên Bình (Kiên Lương) nơi có gần 300ha bị hạn mặn hây thiệt hại nặng có khả năng mất trắng. Theo Giám đốc Sở NNPTNT Kiên Giang, qua kiểm tra, thấy nguồn nước trên các kênh nội đồng bị nhiễm mặn do một số người dân tự ý mở cửa cống để lấy nước mặn qua cống vào các kênh nội đồng để phục vụ nuôi trồng thủy sản, gây nhiễm mặn các trà lúa trong khu vực.

Trong khi đó, tại một số nơi, còn có tình trạng nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước mặn đan xen trong vùng trồng lúa nên dẫn tới hệ lụy: Ta hại chính ta. Cụ thể là người nuôi thủy sản bơm xả trực tiếp nước mặn trong quá trình nuôi ra các kênh nước ngọt và người trồng lúa dùng chính nguồn nước này để tưới lúa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn