MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người vẫn có thói quen xem bóng đá tại các website bóng đá lậu. Ảnh: Khánh An

Hàng loạt biện pháp mạnh tay để chặn website bóng đá lậu

Khánh An LDO | 18/10/2023 07:03

Sau những cuộc rượt đuổi chặn các website bóng đá lậu, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) cho biết, sẽ phối hợp cùng các bên liên quan thành lập đội chuyên trách để ngăn chặn vi phạm bản quyền trên môi trường số.

Website bóng đá lậu “sống khoẻ” hơn đơn vị phát chính thống

Dù đã mua tài khoản K+ và đóng phí đều hằng tháng, song có nhiều trận bóng đá, vì lười mở tivi nên anh Phạm Văn Đăng (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) vẫn truy cập vào ứng dụng Xoil... để xem bóng đá lậu.

“Một phần vì lười, phần khác vì muốn bình luận viên của trận đấu bình luận theo hướng ủng hộ đội bóng mà tôi thích, nên tôi vẫn chọn xem trên Xoil... Thêm vào đó, có rất nhiều các giải bóng đá lớn như La Liga, Ngoại hạng Anh, những nơi phát chính thống thường bên có bên không, còn tôi lại muốn xem tất cả mà không phải đóng tiền nhiều đơn vị cùng lúc” - anh Đăng nói.

Thống kê từ Similar Web cho thấy, tại Việt Nam, có hơn 200 trang web bóng đá lậu với 1,5 tỉ lượt truy cập trong năm 2022. Còn theo thống kê của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, chỉ sau 4 vòng đấu đầu tiên của giải Ngoại hạng Anh 2023, có 239 website phát trái phép. Chủ yếu nguồn nội dung của các trang này lấy từ những doanh nghiệp được cung cấp chính thống, ví dụ như K+, FPT Play, TV360, MyTV...

Các web bóng đá lậu sử dụng tên miền quốc tế và dịch vụ ẩn giấu thông tin, hoạt động công khai và thay đổi tên miền liên tục khi bị chặn. 75% web bóng đá lậu gắn quảng cáo độc hại và 97% các quảng cáo này chứa nội dung độc hại như cá độ, virus, nội dung người lớn và lừa đảo.

Bà Tô Nam Phương - Trưởng ban Quan hệ đối ngoại, Công ty Cổ phần Viễn thông FPT - cho biết, FPT đang giữ bản quyền phát sóng các trận đấu giải UEFA Champions League (C1). Thế nhưng, khi phát một trận đấu chỉ có vài trăm nghìn người xem, còn một kênh YouTube lậu có tới 1 triệu người xem.

Bà Phạm Thanh Thủy - Trưởng phòng Chống vi phạm bản quyền của Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV/K+) - cho biết, chặn truy cập vào các website bóng đá lậu là một trong những biện pháp đang được các nước trên thế giới áp dụng.

Thế nhưng, tại Việt Nam hiện nay, mỗi lần đề xuất chặn một tên miền, doanh nghiệp phải làm hồ sơ mất 2 ngày để gửi đến cơ quan chức năng. Trong khi đó, các website bóng đá lậu có thể đổi tên miền mới chỉ trong vòng 2 phút.

Lập đội chuyên trách về vấn đề bản quyền

Khi nói về thực trạng các website bóng đá lậu ngang nhiên hoạt động vi phạm pháp luật, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử nhận định, việc chặn các website này không khó, song cần nhiều người túc trực suốt trận đấu để phát hiện tên miền mới lập và xử lý.

Cụ thể, khi nhà mạng chặn các website bóng đá lậu này, họ đổi địa chỉ IP, đổi tên miền rất nhanh, chỉ mất 5-10 phút và tiếp tục livestream. Đó là cuộc rượt đuổi tốn rất nhiều nguồn lực.

Vừa qua, tại giao ban công tác quản lý giữa Bộ TTTT với các doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, bộ thống nhất thành lập lực lượng chuyên trách về vấn đề bản quyền. Đội chuyên trách có sự tham gia của Bộ VHTTDL và Bộ Công an.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, các nhà mạng cũng cần tham gia lực lượng này để hỗ trợ trong việc thực hiện các thống kê vi phạm, dùng các công nghệ đo kiểm, rà quét và phát hiện nhanh các vi phạm bản quyền.

Đồng thời, theo ông Lâm, cần đẩy mạnh truyền thông hướng dẫn người dùng, giáo dục họ không xem các chương trình vi phạm bản quyền. Các đơn vị cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình đưa ra các cảnh báo để người dùng hiểu họ đang tiếp tay cho tội phạm vi phạm bản quyền. Sắp tới, Bộ TTTT có kế hoạch trao đổi với lực lượng công an mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trong lĩnh vực này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn