MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
5 tòa nhà tái định cư giãn dân phố cổ bị bỏ hoang hơn 1 thập kỷ ở Long Biên. Ảnh: Tùng Giang

Hàng loạt nhà tái định cư, nhà ở sinh viên bỏ không, lãng phí

Tùng Giang LDO | 09/12/2023 06:36

Một nghịch lý hiện nay là dù nhiều người lao động, người có thu nhập thấp ước mơ có cơ hội được an cư, thì hàng loạt dự án nhà tái định cư, nhà ở cho sinh viên tại Hà Nội lại đang bị bỏ không, xuống cấp nghiêm trọng.

Người thu nhập thấp mỏi mòn giấc mơ an cư

Gần 15 năm lập nghiệp ở Hà Nội, gia đình chị Nguyễn Thị Sen (quê ở Nam Định) vẫn loay hoay trước bài toán an cư ở Thủ đô vì đang phải ở nhà trọ.

Chị Sen là công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), trong khi chồng chị làm công việc tự do. Thu nhập của hai vợ chồng vào khoảng 15 - 17 triệu đồng/tháng. Để đạt mức thu nhập này, chồng chị phải chạy ship ngày đêm, trong khi chị cũng thường xuyên tăng ca.

Trong khi thu nhập của người lao động chưa được cải thiện thì giá nhà trên thị trường, nhất là nhà chung cư hiện nay vẫn đang trong xu hướng tăng nhanh.

Để sở hữu một căn hộ chung cư giá rẻ, người mua cần ít nhất 2-3 tỉ đồng. Tuy nhiên, số lượng căn hộ phục vụ phân khúc này không nhiều, trong khi tỉ lệ người có nhu cầu rất lớn. Hiện có khoảng 1,8 triệu lao động (trong tổng 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất) có nhu cầu về nhà ở.

Dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn trong quá trình chờ chuyển đổi sang NƠXH. Ảnh: Tùng Giang

Thiếu nhà ở giá rẻ nhưng nhiều dự án tái định cư, nhà ở sinh viên bỏ không

Theo thống kê, hiện Hà Nội có đến 4.000 căn hộ tái định cư bỏ hoang trong nhiều năm. Điển hình như 5 tòa chung cư với hàng trăm căn hộ thuộc dự án giãn dân phố cổ tại phường Thượng Thanh (quận Long Biên) bị bỏ hoang hơn 10 năm nay.

Hay tại khu đô thị Sài Đồng (Long Biên), chung cư N3 gồm 3 tòa nhà, với 160 căn hộ được xây dựng những năm 2000 với tổng kinh phí gần 1.300 tỉ đồng. Và nhiều dự án tái định cư khác cũng trong tình cảnh tương tự. Hầu hết các dự án này đều xuống cấp, gây lãng phí lớn.

Hay tại dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp, Hoàng Mai) dù được đầu tư đến gần 2000 tỉ đồng nhưng vẫn trống lượng lớn phòng và nhiều tòa bỏ hoang.

Để giải quyết vấn đề lãng phí tại dự án này, đầu năm 2023, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch chuyển đổi công năng thành nhà ở xã hội (NƠXH) để tăng nguồn cung cho thị trường và là giải pháp để tránh lãng phí nguồn lực Nhà nước.

Tại buổi tiếp xúc cử tri ở quận Hoàng Mai báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, các cử tri quận Hoàng Mai đã có ý kiến để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi công năng của các khu nhà ở sinh viên thành NƠXH, góp phần cung cấp thêm nhà ở giá rẻ cho các đối tượng thuộc diện chính sách, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn.

Lý giải việc chậm chuyển đổi công năng dự án, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, trước đây, dự án khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp sử dụng vốn vay Trung ương, nay chuyển đổi cần làm rõ các nội dung, xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền.

Thành phố đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội chủ trì cùng các ngành làm rõ việc thực hiện quyết toán, xác định khối lượng các hạng mục giữ nguyên là nhà ở sinh viên, các hạng mục chuyển đổi, phương thức đầu tư để chuyển công năng sang NƠXH.

Trao đổi với Lao Động, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh - Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội - cho rằng, các công trình, dự án tái định cư, khu nhà ở cho sinh viên bị bỏ không nhiều năm cần tính toán thay đổi công năng và mục đích sử dụng để tránh lãng phí, giải quyết nhu cầu an cư ngày càng cấp thiết. Theo chuyên gia này, cần phải coi nhà tái định cư là một tài sản sinh động và cần khai thác tối đa. Không nên giữ quan điểm cũ rằng, dự án tái định cư là từ ngân sách Nhà nước, không phải của chủ đầu tư đi vay vốn để tránh biến những dự án này thành một biểu tượng điển hình của sự lãng phí.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn