MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng loạt tàu cá nằm bờ tại Cảng cá Hòn Rớ (xã Phước Đồng, TP Nha Trang, Khánh Hòa) theo dõi ý kiến của Bộ NNPTNT liên quan đến quản lý tàu cá và quy định vùng đánh bắt theo chiều dài trên dưới 15m. Ảnh: Nhiệt Băng

Hàng loạt tàu cá nằm bờ sau quy định hạn ngạch tàu trên dưới 15m

Nhiệt Băng LDO | 22/05/2019 14:46

Ngày 22.5, ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng ban Quản lý Cảng cá Hòn Rớ và chợ cá Nam Trung Bộ (TP. Nha Trang, Khánh Hòa) cho biết, nhiều tàu cá đang nằm bờ chờ ý kiến xử lý của Bộ NNPTNT liên quan đến quy định mới tàu dưới 15m không được đánh bắt ở vùng khơi. 

"Bây giờ những ngư dân có tàu dài dưới 15m không dám đi và nằm bờ theo dõi ý kiến của cấp trên thôi" - ông Hiếu nói và cho biết theo Nghị định 42 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (vừa có hiệu lực), tàu không đủ kích thước vẫn đi khai thác vùng khơi thì bị phạt với mức tiền từ 500 - 700 triệu đồng.

Theo ông Hiếu, hiện nay các doanh nghiệp thu mua thủy sản xuất khẩu từ chối "rất căng" về nguồn gốc sản phẩm khai thác. Những tàu đánh bắt bất hợp pháp IUU (đánh ghi nhật ký khai thác, giấy tờ không hợp lệ...) thì họ loại ra ngay lập tức, nên ngư dân không dám vi phạm vùng đánh bắt và không khai báo nhật ký khai thác.

"Quản lý cảng cá biết tàu cá đó đánh bắt bất hợp pháp mà vẫn cho tàu cá đó cập cảng thì cũng bị liên đới trách nhiệm, xử phạt mức tiền lên đến hàng chục triệu đồng (theo Nghị định 42) nên chúng tôi cũng không dám làm sai" - ông Hiếu nói. 

Trước đây, theo Nghị định 33 (ngày 31.3.2010) của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản, tàu lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90 CV trở lên khai thác thủy sản tại vùng khơi và vùng biển cá, không được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng. 

Tuy nhiên, hiện nay, theo Nghị định 26 (hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản mới), quản lý tàu cá không căn cứ theo công suất nữa mà phải đảm bảo tàu dài trên 15m mới được đánh bắt tại vùng khơi.

Ngày 2.5, Bộ NNPTNT tiếp tục ra QĐ 1481 về việc giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi cho các tỉnh, thành. Trong đó, tỉnh nhiều nhất là Kiên Giang với 4.060 giấy phép, thấp nhất là TPHCM và Ninh Bình với 50 giấy phép. 

Việc chuyển quản lý từ công suất (CV) sang quản lý theo chiều dài lớn nhất của tàu cá đang tạo ra sự phản ứng trong ngư dân, lẫn phản biện của cấp quản lý Nhà nước về thủy sản tại các địa phương.

Hàng nghìn tàu cá phải thay đổi vùng đánh bắt từ vùng khơi về vùng lộng, ven bờ theo QĐ 1481 về việc giao hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản (KTTS) tại vùng khơi cho các tỉnh, thành phố của Bộ NNPTNT. 

Trao đổi với PV Lao Động, ông Trần Ngọc Nhạn - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phú Yên cho biết tỉnh hiện có gần 1.200 tàu trên 90CV, nhưng chiếu theo quy định mới (tàu 15m trở lên) thì chỉ có 451 tàu đủ điều kiện. Điều này có nghĩa khoảng trên dưới 700 tàu phải từ vùng khơi trở về vùng lộng, ven bờ đánh bắt thủy sản. Tương tự, 598/1.366 tàu cá công suất trên 90CV ở tỉnh Khánh Hòa không được ra vùng khơi, mà trở về vùng lộng đánh bắt vì "thiếu thướt".

Trước thực trạng này, nhiều địa phương đang kiến nghị Bộ NNPTNT xem xét lại quy định về quản lý tàu cá đã ban hành.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn