MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thời gian qua, nhiều tuyến xe buýt tại TPHCM bỏ chuyến vì trợ giá thấp, giải ngân chậm. Ảnh: M.Q

Hàng loạt tuyến buýt bị cắt giảm xe và chuyến

MINH QUÂN LDO | 20/10/2018 08:00
Từ hôm nay (20.10), nhiều tuyến xe buýt có trợ giá ở TPHCM sẽ bị cắt giảm xe, chuyến và thời gian hoạt động.

Nguyên nhân vì thời gian qua, có 8 hợp tác xã vẫn chưa ký được hợp đồng đặt hàng với Trung tâm quản lý giao thông công cộng TPHCM, vì vậy tiền trợ giá cho hoạt động xe buýt chỉ được tạm ứng mức nhỏ khiến nhiều xã viên, hợp tác xã lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần, nhiều tuyến bỏ chuyến... 

Theo đó,  tuyến số 15 (Chợ Phú Định - Đầm Sen) giảm 4 chuyến/ngày và kết thúc thời gian hoạt động buổi tối sớm hơn 15 phút. Tuyến số 16 (Bến xe Chợ Lớn - Bến xe Tân Phú) giảm 5 chuyến/ngày và kết thúc thời gian hoạt động buổi tối sớm hơn 15 phút; Tuyến số 144 (Bến xe Miền Tây - Cư xá Nhiêu Lộc) giảm 20 chuyến/ngày và tuyến số 151 (Bến xe Miền Tây - Bến xe An Sương) giảm 6 chuyến/ngày và kết thúc hoạt động buổi tối sớm hơn 30 phút - 1 tiếng. Các tuyến xe buýt có trợ giá gồm: số 9, 14, 47 giảm 20 chuyến/ngày; tuyến số 19 giảm 40 chuyến/ngày.

Tương tự, tuyến xe buýt có trợ giá số 6 (Bến xe Chợ Lớn - Đại học Nông Lâm) bị cắt giảm 2 xe/ngày và giảm 32 chuyến/ngày. Tuyến số 10 (Đại học Quốc Gia - Bến xe Miền Tây) bị cắt giảm 3 xe trên ngày và 20 chuyến/ngày. Tuyến số 140 (Công viên 23-9 - Phạm Thế Hiển - Khu dân cư Phú Lợi) bị cắt giảm 3 xe/ngày và 20 chuyến/ngày.

Để bù đắp lại, tuyến xe buýt có trợ giá số 59 (Bến xe quận 8 - Bến xe Ngã Tư Ga) sẽ bổ sung thêm 2 xe buýt loại 51 chỗ và tăng 16 chuyến từ thứ 2 - thứ 7.

Trước đó, trong vòng 10 ngày, các đơn vị vận tải xe buýt đã 2 lần gửi kiến nghị đến Chủ tịch HĐND, UBND TPHCM, Giám đốc các sở, ngành liên quan xem lại khối lượng đặt hàng và kinh phí trợ giá xe buýt năm 2018.

Trong kiến nghị lần 2 (ngày 12.10), 9/13 HTX cho biết sau ngày 15.10 sẽ đồng loạt cắt giảm chuyến trên nhiều tuyến xe buýt được trợ giá do lâm vào cảnh nợ nần, phát sinh vượt quá khả năng chi trả. Ngoài ra, các HTX còn đề nghị trả lại luồng tuyến (đối với những tuyến xe buýt cũ chưa đầu tư mới) và không tiếp tục hoạt động do thua lỗ kéo dài.

Riêng đối với các tuyến xe buýt đã lỡ đầu tư xe mới, các HTX đề nghị thành phố tiếp tục giới thiệu các nhà đầu tư có năng lực về tài chính để các đơn vị chuyển nhượng và thu hồi lại số vốn đã bỏ ra. Các HTX cũng đề nghị cấp bổ sung kinh phí trợ giá cho chênh lệch nhiên liệu mà các đơn vị đã chi trả trước cho nhà cung cấp trong quá trình hoạt động.

Lãnh đạo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM cho biết, để giải quyết những khó khăn trên, trước mắt trung tâm đã ứng 100% kinh phí 6 tháng đầu năm cho 5 doanh nghiệp đã ký hợp đồng. Đồng thời, tạm ứng kinh phí cho 8 doanh nghiệp chưa ký hợp đồng để duy trì các hoạt động. Sở GTVT cũng đã trình UBND TPHCM bổ sung dự toán chi phí ngân sách trợ giá xe buýt 2018 và đã được đồng ý về chủ trương.

Tuy nhiên, UBND TPHCM yêu cầu Sở Tài chính chủ trì làm việc với các sở, ngành liên quan để rà soát đơn giá đầu tư xe buýt mới, việc giao khoán sản lượng, đảm bảo tính đúng, tính đủ cho các doanh nghiệp. Cố gắng trong tháng 10 sẽ thống nhất để trình UBND TPHCM.

Trường hợp các doanh nghiệp vận tải đề nghị giãn chuyến trên một số tuyến, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM đề nghị các doanh nghiệp gửi phương án giảm chuyến cụ thể từng tuyến để Trung tâm trình Sở GTVT TPHCM ban hành quyết định và công bố cho người dân trước khi thực hiện nhằm giảm thiểu ảnh hưởng việc đi lại của người dân.

Việc đề xuất số chuyến hoạt động mới phải đảm bảo thời gian giãn cách giữa các chuyến xe liền kề tối đa 30 phút và thời gian hoạt động tối thiểu của tuyến không dưới 12 giờ trong một ngày.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn