MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đi lại trong nước lũ của người dân huyện Tuy Phước. Ảnh: X.N

Hàng ngàn hộ dân Nam Trung Bộ bị ngập sâu, khốn đốn

Xuân Nhàn - Nhiệt Băng LDO | 05/12/2017 07:30
Mưa liên tục trong những ngày qua khiến Bình Định và Phú Yên tái ngập sâu trên diện rộng. Đây là trận lũ thứ năm trong vòng một tháng qua khiến đời sống người dân các tỉnh Nam Trung Bộ khốn đốn, trễ tràng mùa vụ. 

Lượng mưa bình quân trong các ngày qua đo được tại hồ Định Bình từ 336mm; nhiều nơi vẫn đang mưa lớn: Hoài Nhơn 153mm, Canh Liên (Vân Canh) 141mm, An Toàn (An Lão) 135mm... Hầu hết đều trên báo động III 0,71m.
Thiên tai dồn dập

Tại xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, khi nước lũ tràn qua đê La Tinh, nhấn chìm đoạn An Xuyên, Lương Trung đến nửa mét, cắt đứt đường vào thôn Lương Thái, người dân địa phương liền nháo nhác, đứng ngồi không yên. Tình trạng ngập nước và danh sách các công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi bị ảnh hưởng liên tục tăng lên. Nhiều công trình chỉ được gia cố tạm, nay tiếp tục hư hỏng, sạt lở trầm trọng hơn.

Theo số liệu tổng hợp của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn Bình Định, toàn tỉnh có 3.920 hộ bị ngập. Huyện Tuy Phước có 1.350 hộ ngoi ngóp ở Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng. Đường ĐT 640, 636 một số đoạn ngập đến 0,7m; giao thông bị cắt đứt.

Ở Phù Cát, ngập úng vây hãm 1.200 hộ dân Cát Chánh, Cát Tiến; đường ĐT 640 có đoạn chìm sâu 1m; 2 cầu Bà Tán (Cát Trinh), Tường Sơn (Cát Tường) bị hư hỏng; đường ven biển bị chia cắt đoạn Cát Hải - Cát Thành; nước tràn qua đê sông Đại An đoạn trên Cầu Chùa 0,25m, bờ sông hạ lưu hồ Hội Sơn sạt lở năm 2016 có nguy cơ vỡ thêm lần nữa.

TP.Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, các huyện Tây Sơn, Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Lão đều trong tình trạng tương tự. Đời sống, sinh hoạt của người dân ở nhiều xã, phường bị uy hiếp, đảo lộn: Nhơn Phú, Nhơn Bình, Bùi Thị Xuân, Ân Đức, Hoài Hải, Hoài Mỹ, Tam Quan Nam, Hoài Hương, Nhơn Tân, Nhơn Lộc, Nhơn Thọ, Nhơn Phúc, Bình Hòa, Bình Nghi, Tây Bình, Tây Vinh...  

Đê Đông từ Gò Bồi ra Phước Thắng ngập nặng. Đập Cây Gai, đập Lại Giang bị tàn phá năm 2016 tiếp tục xói lở. Trong ngày, học sinh tại các vùng trũng ngập buộc phải nghỉ học nhằm tránh rủi ro. Sở GDĐT Bình Định yêu cầu hiệu trưởng các trường tổ chức trực ban 24/24 giờ; đồng thời triển khai phương án phòng, chống lũ lụt theo phương châm “4 tại chỗ”. Việc mở cửa trường sẽ được quyết định linh hoạt tùy diễn biến thời tiết tại mỗi địa phương.

Ông Phan Xuân Hải - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn Bình Định cho biết các hồ đập (hiện chứa phổ biến 80-90% dung tích thiết kế) đang được quản lý vận hành giảm lũ cho hạ lưu. Lưu lượng nước đến luôn lớn hơn hoặc bằng lượng nước thoát đi. Cụ thể, hồ Định Bình đến 851m3/giây, đi 627m3/giây; hồ Núi Một đến 163m3/giây, đi 148m3/giây; đập Văn Phong đến 1.779m3/giây, đi 1.779m3/giây...

Ngập lụt tại thị xã An Nhơn. Ảnh: X.N

Một trưởng thôn ở Phú Yên chết vì lũ

Ngày 4.12, nhiều xã Xuân Quang 3, Xuân Sơn Bắc, Xuân Sơn Nam, Phú Mỡ và thị trấn La Hai đã bị cô lập. Nhiều đoạn của tỉnh lộ 641 từ huyện Tuy An đi huyện Đồng Xuân bị ngập sâu trong nước, không thể đi lại.

Ông Lâm Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) cho biết, do các hồ chứa và thủy điện xả lũ, kèm với mưa lớn kéo dài nên nước sông Kỳ Lộ lên nhanh. Đến 15h ngày 4.12, độ ngập sâu nhất trên địa bàn xã khoảng 1m. “Người dân đã về lại nhà nhưng tài sản vẫn chưa chuyển về vì sợ nước lũ còn đe dọa. Hiện nước lũ cũng đang rút nhưng vẫn đang ở mức báo động 3” - ông Minh cho hay. Toàn huyện Đồng Xuân đã di dời 2.757 hộ với hơn 8.860 nhân khẩu đến nơi an toàn.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Đặng Chí Hậu - Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) - xác nhận thi thể ông Châu Văn Dũng (54 tuổi) - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Kỳ Lộ, xã Xuân Quang 1 - đã được tìm thấy vào trưa cùng ngày, cách vị trí bị lũ cuốn khoảng 1km.

Chiều 3.12, ông Dũng đi tập huấn về kỹ thuật trồng trọt các loại cây nông sản như mía, chuối... Trên đường về nhà, ông Dũng và con trai đi qua một bờ tràn, rồi bị lũ cuốn. Lúc này, con ông Dũng kịp bám vào tảng đá, thoát chết, còn ông bị mất tích. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ được huy động để tìm kiếm thi thể ông Trưởng thôn.

Ông Bùi Văn Thành - Chủ tịch UBND huyện Tuy An (Phú Yên) - buồn bã: “Lũ liên tiếp trong năm qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế, sản xuất nông nghiệp… tại địa phương. Sau mỗi đợt lũ, người dân lại bị thiệt hại, thậm chí làm lại từ đầu. Sống vùng lũ thì người dân phải sống chung với lũ chứ không còn cách nào khác”.

Đến chiều 4.12, các xã An Thạch, An Nghiệp, An Cư, An Ninh, An Định bị chia cắt hoàn toàn. Nước lũ cầm chừng, mưa là dâng lên. Nhiều nhà dân ngập đến hơn nửa nhà. Các địa phương, trường học tiếp tục di chuyển người, tài sản từ vùng thấp lên vùng cao theo phương án “4 tại chỗ”, lên vùng cao. Hơn 1.000 hộ dân đã được chính quyền địa phương di dời, tránh lũ.

Theo ông Thành, nước lũ đã khiến một chiếc tàu ở xã An Ninh Đông bị chìm, đặc biệt đường dẫn vào xã An Lĩnh bị sạt lở với 20m, uy hiếp giao thông đi lại.

UBND tỉnh Phú Yên cho biết, ngày 4.12, hai nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ, Sông Hinh đang xả lũ xuống hạ du tỉnh này với tổng lưu lượng 4.454m3/giây. Trong đó, riêng Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ với lưu lượng 4.100m3/giây.

Xả lũ ồ ạt các chuyên gia nói gì?

* Ông Tô Xuân Bảo - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp - Bộ Công Thương: Nguyên tắc khi điều tiết nước qua tràn của đập thuỷ điện là lượng nước không được lớn hơn lưu lượng nước từ thượng nguồn. Việc này góp phần để giảm lũ của hạ du.

Do khu vực này địa hình hẹp, dốc nên thuỷ điện có quy mô nhỏ, dẫn đến dung tích phòng lũ của hồ thuỷ điện cũng nhỏ. Không giống như thuỷ điện phía Bắc với quy mô lớn, có những đợt lũ họ cắt lũ được hoàn toàn cho phía hạ du, hồ miền Trung chỉ giữ được một phần nước thôi. Nhưng dù sao cũng đã góp phần giữ lại được một ít để giảm mức độ lũ.

Cũng theo ông Bảo, các hồ thuỷ điện này hoàn toàn điều hành bởi hồ chứa không tự ý xả. Ngoài ra, trong trường hợp này, mưa lớn không xảy ra ở hồ thuỷ điện mà là mưa ở hạ du. Do đó, địa phương phải đảm bảo các phương án di dân, đảm bảo an toàn tài sản theo đúng quy định của pháp luật.

* GS-TS Vũ Trọng Hồng - Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi: Theo tôi, các tỉnh phải có “bản đồ” thuỷ điện để nắm được khi xả thì dòng sông nào, khu vực nào bị ảnh hưởng. UBND tỉnh phải nắm được để khi nhà máy thuỷ điện thông báo cho dân thu hoạch, đắp bờ ngăn lũ…

* Ông Trần Quang Hoài - Tổng cục Trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NNPTNT):

Việc xả lũ đều được thực hiện đúng quy trình, trước khi xả lũ đều có thông báo đến địa phương để thông báo kịp thời cho người dân theo đúng quy định về xả lũ hồ chứa thủy điện. Tuy nhiên, trong thực tế có những thiệt hại không thể tránh khỏi, đó là hoa màu trên đất không thể di dời, hoặc ngập úng nhà cửa… Tuy nhiên, các thiệt hại này căn cứ tình hình thực tế được hỗ trợ theo quy định tại Thông tư 02 của Chính phủ. Hoài Phương - Khánh Vũ

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn