MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng nghìn con heo được vận chuyển qua TP. Đà Nẵng mỗi ngày là nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn.

Hàng nghìn con lợn “qua lại” mỗi ngày, Đà Nẵng gấp rút ngăn dịch tả

Thuỳ Trang LDO | 05/03/2019 17:41
Đà Nẵng vẫn chưa xảy ra dịch tả lợn (heo) Châu Phi, tuy nhiên, chính quyền thành phố đã có chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn heo bệnh vào thành phố, tránh lây lan thành dịch.

Theo thống kê, có khoảng 3.200 - 4.500 con heo với khoảng 18 đến 25 chuyến xe từ các tỉnh phía Bắc vào phía Nam đi ngang qua TP. Đà Nẵng mỗi ngày. Nguy cơ dịch bệnh tả heo Châu Phi lây lan là rất lớn.

Vì vậy, mặc dù chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh dịch nhưng công tác phòng chống dịch bệnh đang được các địa phương, ngành chức năng triển khai quyết liệt.

Ông Trần Tới – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.Đà Nẵng cho biết, sau cuộc họp trực tuyến với Chính phủ, UBND thành phố đã chỉ đạo bổ sung cán bộ thú y tại các Trạm kiểm dịch động vật Kim Liên và Hòa Phước, đảm bảo trực 24/24h kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển heo và sản phẩm của heo lưu thông qua trạm và nhập vào TP.Đà Nẵng.

Tại đây, cán bộ thú ý tực hiện tiêu độc khử trùng nghiêm ngặt các phương tiện vận chuyển heo, xử lí nghiêm theo quy định các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đà Nẵng cũng đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và thú y cấp phát 1.152 lít Benkocid cho các địa phương, cơ sở tiêu độc khử trùng.

Riêng với huyện Hòa Vang là khu vực có chăn nuôi nhiều, đã được cấp tiếp hoá chất đợt 2 trong năm 2019 với số lượng 5.000 lít Benkocid để phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. 

Ngoài ra, cán bộ thú y cũng được yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát việc giết mổ, buôn bán, vận chuyển heo và sản phẩm heo trên địa bàn, tổ chức triển khai cho các cơ sở giết mổ heo thường xuyên dọn vệ sinh, phun thuốc tiêu độc khử trùng,...    

Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các cơ quan chức năng cũng hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, thường xuyên theo dõi đàn lợn, nếu phát hiện lợn bệnh, lợn ốm và chết không rõ nguyên nhân thì báo cho cơ quan thú y nơi gần nhất lấy mẫu chẩn đoán, xét nghiệm bệnh để xử lý kịp thời. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn