MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cơ quan chức năng xã Đại Đồng (huyện Thanh Chương-Nghệ An) trao quyết định xác nhận hoàn thành thời gian cách ly tập trung cho lao động trở về từ miền Nam. Ảnh: Quang Đại

Hàng nghìn lao động xứ Nghệ mong hết dịch để trở lại miền Nam

QUANG ĐẠI LDO | 15/09/2021 16:56

Nghệ An có hàng chục nghìn lao động trở về từ các tỉnh miền Nam tránh dịch, đa số có nguyện vọng trở lại cơ sở cũ làm việc sau khi hết dịch.

Ngày 15.9, chúng tôi về xã Đại Đồng là địa phương có số lao động ly hương về quê tránh dịch đông nhất huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An) để tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư của họ.

Anh Nguyễn Phương Tuấn (31 tuổi) trú tại địa phương cho biết, hai vợ chồng anh vào TP Hồ Chí Minh làm việc đã 5 năm, cả hai làm nghề buôn bán tự do tại phường Tân Thới Hiệp – Quận 12. Thu nhập của hai vợ chồng cũng vừa đủ trang trải cho cuộc sống gia đình 4 người (anh chị có 2 con nhỏ).

Xã Đại Đồng trao quyết định kết thúc thời gian cách ly tập trung cho một hộ gia đình trở về từ miền Nam. Ảnh: Quang Đại

Do TP Hồ Chí Minh bùng phát dịch, gia đình anh Tuấn về quê từ ngày 29.7, sau khi cách ly tập trung xong thì về nhà theo dõi tiếp, hiện nay đã thực hiện xong. “Do không có tích lũy được tiền bạc, hiện nay chúng tôi đang sống cùng gia đình, cũng phải nhờ vào hỗ trợ của bố mẹ. Tôi mong hết dịch sẽ trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc, chứ ở quê cũng không biết làm gì”- anh Tuấn nói.

Do vợ chồng anh thuê nhà để vừa ở kết hợp kinh doanh, hợp đồng đã ký cả năm, mỗi tháng 8 triệu đồng. Gia đình chạy dịch về quê nhưng nhà thuê vẫn giữ, mỗi tháng phải trả 5 triệu cho chủ (họ giảm cho 3 triệu vì dịch bệnh). Do đó, anh Tuấn càng thêm khó khăn và mong sớm khống chế được dịch để vào làm ăn tiếp.

Cùng cảnh ngộ, vợ chồng anh Nguyễn Văn Lực tại xã Đại Đồng cũng về quê tránh dịch từ tháng 7 trở lại nay. Đã 5 năm nay, vợ chồng anh sinh sống ổn định tại TP Hồ Chí Minh. Anh làm nghề cơ khí cho một doanh nghiệp nhỏ, còn vợ làm giáo viên mầm non, thu nhập cũng chỉ tạm đủ sống không có tích lũy, nghỉ dịch về quê nên càng khó khăn. “Nguyện vọng của hai vợ chồng là dịch được khống chế sớm để chúng tôi trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc, sinh sống” – anh Lực nói.

Ngày 15.9, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thế Tú, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Đồng cho biết: Từ ngày 27.4 đến nay, trong xã có 2.764 người, chủ yếu là các công nhân lao động từ các tỉnh từ miền Nam (TP Hồ Chí Minh, Bình Dương-Đồng Nai…) trở về địa phương tránh dịch, xã tổ chức cách ly tập trung cho 169 công dân, cách ly tại nhà 457 người. Trên địa bàn có 3 trường hợp mắc COVID-19 trong khu cách ly, nay đã khỏi, xuất viện.

Được biết, hiện nay hầu hết số lao động nói trên đều đang cư trú cùng gia đình tại địa phương. “Qua tìm hiểu, hầu hết họ không có nguyện vọng làm ở nhà, mà muốn chờ dịch bệnh được khống chế, sẽ trở lại nơi cũ để làm việc” – ông Nguyễn Thế Tú nói.

Phó Chủ tịch UBND xã Đại Đồng giải thích nguyên nhân lao động muốn trở lại nơi cũ làm việc vì họ đã làm việc, sinh sống ổn định, quen việc, có các mối quan hệ gắn bó, trong khi ở địa phương không thể có đủ việc làm cho số lao động này.

Về chế độ hỗ trợ cho các lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, xã Đại Đồng đang triển khai theo quy định, ngoài ra cũng chưa có các hỗ trợ khác cho lao động trở về từ các tỉnh khác, vì không có nguồn.

Được biết, đến nay toàn huyện Thanh Chương có 8.093 lao động trở về từ các tỉnh khác, trong đó lao động trở về từ miền Nam khoảng 6.500 người. Địa phương đã làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho các lao động trở về cũng như người dân sở tại, tuy nhiên không thể giải quyết được việc làm cho tất cả số lao động này.

Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, số lượng người về quê theo các huyện rà soát từ 27.4 – 5.8 là khoảng 72.000 người.

Hiện nay, tỉnh Nghệ An đang chỉ đạo triển khai thực hiện gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ theo đúng quy định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn