MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hàng quán mọc lên như nấm bên trong công viên Thủ Lệ

PHƯƠNG ANH LDO | 24/03/2023 08:23

Là một trong ba công viên gắn liền với người dân Hà Nội từ nhiều năm về trước, tình trạng hàng quán được đặt dày đặc trong không gian của công viên Thủ Lệ (vườn bách thú) đang khiến nhiều người dân bức xúc. 

Từ khi nghỉ hưu về quê, đã rất lâu rồi ông Nguyễn Hoài Nam (76 tuổi, quê ở Hải Dương) mới quay lại công viên Thủ Lệ. Khi được hỏi về sự thay đổi của nơi đây, ông nhớ lại hình ảnh của vườn bách thú của gần 20 năm trước. 

“Năm 2007, tôi có chuyến công tác ở Tây Hồ nên cũng đã tranh thủ thời gian nghỉ để đến vườn bách thú chơi. Khi ấy, chỉ có 2-3 cửa hàng bán đồ vì đây vốn đơn thuần là công viên, mục đích chính là để cho du khách tham quan.

Còn bây giờ, sau khi đi một vòng, tôi thấy vườn bách thú này không được như ngày trước, chỉ thấy tập trung kinh doanh.

Vườn bách thú cũng nghèo nàn, không đa dạng các con vật. Hàng quán lại đặt cạnh nhau chi chít, thực sự rất mất mỹ quan”, ông Nam nói.

  Dãy hàng quán hiện ra hai bên ngay từ khi bước chân vào công viên Thủ Lệ. Ảnh: Phương Anh
Bước vào công viên Thủ Lệ sẽ thấy hàng quán được đặt cạnh nhau dày đặc. Ảnh: Phương Anh

Theo ghi nhận của Báo Lao Động, ngay từ khi bước vào công viên Thủ Lệ (cổng Nguyễn Văn Ngọc), hàng loạt hàng quán đã hiện ra 2 bên. 

Đi sâu vào trong công viên, cứ khoảng 10-15m lại có một cửa hàng được dựng lên. Các sản phẩm được bày bán chủ yếu là đồ ăn, nước uống, đồ chơi,... Điều đáng nói hơn cả, những sạp hàng còn bày hàng hóa ra bên ngoài chiếm không gian đi lại của du khách. 

Ngoài các cửa hàng được dựng kiên cố, khách tham quan cũng không khó để bắt gặp những người bán hàng rong tại đây. Những người bán hàng rong công khai bày bán tại đây, khi bảo vệ của công viên đi qua cũng không yêu cầu họ di chuyển. 

Chiều nào cũng đến công viên Thủ Lệ để tập thể dục, ông Đỗ Văn Phú (65 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) bộc bạch: “Nói thật, hàng quán như này dù có thuận tiện cho khách du lịch, nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới không gian chung của công viên. Khi không có hàng quán, nơi đây chỉ là một công viên đúng nghĩa, thoáng đãng. Nhưng với hiện trạng bây giờ, vào công viên chỉ thấy buôn bán là chủ yếu”. 

Còn với chị Phạm Thị Sang (26 tuổi, quê ở Hải Phòng), trong lần đầu tới công viên Thủ Lệ tham quan, chị khá bất ngờ vì không gian của vườn bách thú nổi tiếng này không giống như trong hình dung của chị.

"Khi chuẩn bị kế hoạch đưa con gái lên đây chơi, tôi đã tưởng tượng ra một không gian vườn bách thú với đa dạng các loài động vật. Thế nhưng khi đặt chân vào công viên, tôi thấy có rất nhiều hàng quán, bày bán tràn lan, mời chào khách. Trẻ con thì ham ăn, ham vui, cứ được mời là sà vào quầy ăn vặt, trong khi thực phẩm thì không biết có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm" - chị Sang nói. 

Nhiều người bán hàng rong bên trong vườn bách thú. Ảnh: Phương Anh 
Không chỉ hàng quán, dịch vụ chụp ảnh cũng được quảng cáo mỗi khi du khách đi qua. Ảnh: Phương Anh
Du khách chỉ cần đi vài bước chân là có thể dễ dàng bắt gặp một cửa hàng buôn bán. Ảnh: Phương Anh
Du khách tỏ thái độ không hài lòng khi quá nhiều hàng quán được đặt trong công viên Thủ Lệ. Ảnh: Phương Anh

Công viên Thủ Lệ là nơi bảo tồn và nuôi dưỡng hàng trăm loài động vật khác nhau. 

Được đặt tại quận Ba Đình, với diện tích là 28 ha, công viên Thủ Lệ được khởi công xây dựng vào ngày 19.5.1975. Đây là một dự án du lịch mang nhiều ý nghĩa đối với người dân Thủ đô.

Trong khuôn viên của công viên Thủ Lệ bao gồm 6 ha là hồ nước, còn lại hơn 22 ha là đất nền. Khu đất nền được bố trí khu vui chơi, vườn thú nhằm mục đích phục vụ hoạt động trải nghiệm, tham quan của du khách.

Trước khu vui chơi cũng có hàng quán án ngữ. Ảnh: Phương Anh

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn