MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh Văn phòng Ủy ban ATGTQG. Ảnh: Hải Nguyễn

Hàng quán vắng là do dịch chứ không phải do Nghị định 100

Cường Ngô (thực hiện) LDO | 20/02/2020 14:00
“Vấn đề doanh thu ở các quán nhậu không được như trước, tôi cho rằng phần lớn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều khách nhậu hạn chế tụ tập nơi đông người để phòng tránh dịch”- ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh Văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia - nhận định, đồng thời khẳng định, Nghị định 100 đi vào cuộc sống, nhiều người đã có sự thay đổi rõ rệt từ nhận thức tới hành động.

Gần 2 tháng triển khai thực hiện Nghị định 100 của Chính phủ về xử lý vi phạm nồng độ cồn khi lái xe tham gia giao thông, ông đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện?

- Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính bước đầu đi vào thực tiễn, tác động tích cực đến đời sống xã hội, nhất là vấn đề nghiêm cấm điều khiển phương tiện khi hơi thở trong máu có nồng độ cồn.

Theo số liệu của Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an), sau một tháng lực lượng chức năng toàn quốc đã xử lý hơn 17.300 tài xế vi phạm nồng độ cồn. Qua đó, số tiền nộp phạt gần 53,2 tỉ đồng, cảnh sát giao thông tước gần 11.000 bằng lái xe và tạm giữ trên 17.300 phương tiện các loại. Một số địa phương có kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn cao như Thanh Hóa (970 trường hợp), Đắk Lắk (914 tài xế), TPHCM (672 người), Hà Nội 512 (trường hợp). 

Điều đáng mừng là hiếm có quy định cấm nào mà lại được người dân ủng hộ nhiều như vậy. Sự vào cuộc của các bộ ngành, địa phương, các cơ quan truyền thông đã làm cho Nghị định 100/2019 được phổ biến rộng rãi đến người dân.

Cơ bản được dư luận xã hội đồng thuận, nhưng cũng có không ít ý kiến cho rằng, Nghị định 100/2019 chưa thực sự chặt chẽ. Ví dụ có nhất thiết phải cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện?

- Trước khi triển khai Luật Phòng, chống tác hại rượu bia, Nghị định 100/2019, các cơ quan có thẩm quyền đã lấy ý kiến góp ý, thảo luận rất kỹ lưỡng, rộng rãi đảm bảo đúng quy trình. Nghị định 100 vừa đáp ứng nhu cầu bức thiết về an toàn giao thông và để thực thi Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia có hiệu lực từ ngày 1.1.2020. Quy định mới của Luật Phòng, chống tác hại rượu bia và Nghị định 100/2019 tạo sự thay đổi về tâm lý và nhận thức rõ ràng thì sẽ giảm người vi phạm uống rượu, bia rồi lái xe. Do đó, việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn tạo ra chỉ giới rõ ràng để người dân thực hiện, tạo nên hiệu quả trong việc kéo giảm tai nạn giao thông.

Nhưng, nhiều nhà hàng, quán nhậu “than” rằng, từ khi Nghị định 100/2019 được áp dụng, quán của họ đìu hiu vắng khách, doanh thu cũng từ đó sụt giảm?

- Mức xử phạt đủ tính răn đe khiến thực trạng uống rượu, bia tại các quán nhậu, cửa hàng lẩu, nhất là thời điểm Tết giảm đáng kể. Đây là điều mà Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia tin tưởng sẽ đạt được nếu thực hiện nghiêm quy định nghiêm cấm có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện.

Còn về vấn đề doanh thu ở các quán nhậu không được như trước, tôi cho rằng phần lớn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều khách nhậu hạn chế tụ tập nơi đông người để phòng tránh dịch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn