MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng rào bao quanh Công viên Thống Nhất khiến người dân khó tiếp cận. Ảnh: Phạm Đông

Hàng rào “nhốt” công viên ở Hà Nội: Không gian công cộng đang bị cô lập

Phạm Đông LDO | 30/04/2022 08:44

Nhiều Công viên lớn ở Hà Nội đang bị “nhốt” trong hàng rào và bị thu phí vào cửa khiến không gian công cộng quan trọng này bị cô lập, người dân khó tiếp cận, hưởng thụ.

Nghịch lý nhà gần nhưng xa cổng công viên

Dù nhà gần Công viên Thống Nhất (Hà Nội), nhưng chị Nguyễn Ngọc Lê (phố Ô Đồng Lầm, quận Đống Đa) phải đi bộ đến đầu đường Đại Cồ Việt hoặc phố Trần Nhân Tông mới có thể vào được không gian công cộng.

Chị Lê cảm thấy bất tiện khi công viên này rất rộng mà chỉ có một vài cổng vào nhất định. Trong khi cả đoạn đường Lê Duẩn rất dài nhưng do phần mái của cổng cổng xuống cấp, ban quản lý đã dùng xích khóa chặt lại và treo thông báo khu vực nguy hiểm.

"Bản thân tôi muốn hưởng cảm giác thư giãn khi vào công viên mỗi buổi chiều tan tầm. Điều này cũng giúp tôi giảm căng thẳng sau một ngày làm việc mệt mỏi. Tuy nhiên, việc công viên bị rào kín, cổng lại ở quá xa khiến việc tiếp cận gặp rất nhiều khó khăn" - chị Lê nói và cho biết ở nhà gần mà phải đi xe máy đến công viên thì cũng rất mệt mỏi khi tham gia giao thông, đặc biệt là giờ cao điểm. Chưa kể đến việc phải trả tiền mua vé để được vào cửa công viên.

 Nhiều người ngại vào công viên vì đi lòng vòng vào cửa

Giống như chị Lê, mỗi lần anh Nguyễn Đình Hải (phường Yên Hòa, Cầu Giấy) muốn vào Công viên Cầu Giấy cũng phải đi bộ rất xa hoặc đi xe đến cổng chính trên phố Thành Thái. Đây là một trong những công viên hiện đại, có riêng cả khu vui chơi cho trẻ em nên được rất nhiều người lui tới. Mặc dù xung quanh công viên có nhiều cổng nhưng chỉ duy nhất một cổng chính được mở.

Dù nhà chỉ cách công viên vài trăm mét nhưng muốn vào anh Hải phải đi gần 2km mới đến được cổng. Anh Hải và nhiều dân sống quanh đây cho rằng không gian công cộng bị cô lập bên trong hàng rào gây lãng phí. Đây cũng là nghịch lý đang diễn ra tại nhiều công viên ở Hà Nội chứ không chỉ riêng ở Cầu Giấy, gây bất tiện cho người dân.

Nhà gần công viên nhưng anh Hải phải đi quãng đường dài mới đến được cổng để vào bên trong

Không gian bị cô lập

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn, trong kế hoạch cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025, công viên Thống Nhất là 1 trong 3 công viên được cải tạo cấp độ 1.

Đặc biệt, thành phố định hướng nâng cấp công viên chuyển từ “công viên đóng” sang “công viên mở”, không còn hàng rào và mở cả về quản lý, cơ chế... Đồng thời, với đó là việc tạo lập không gian đi bộ dọc phố Trần Nhân Tông... Từ đó, nâng tầm giá trị không gian cảnh quan, tăng thêm khai thác các giá trị của công viên...

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, việc mở công viên là hết sức cần thiết. Thực tế, những đề xuất liên quan tới việc xóa bỏ lớp hàng rào này đã bắt đầu từ rất lâu. Điển hình, tại cuộc thi ý tưởng thiết kế “Công viên Thống Nhất cho tất cả mọi người” vào năm 2011, nhiều đồ án dự thi đã đề cập tới điều này.

Mặc dù là một trong những công viên lớn nhất của Hà Nội, tuy nhiên, chỉ có 4 cổng ra vào, trong đó 2 cổng chính mới thường xuyên mở cửa. Có nghĩa, muốn vào không gian này, người ta phải đi vòng một đoạn khá dài - chưa kể sẽ mất một quãng đường xa khi muốn... đi ra.

Về bản chất, các vườn hoa, công viên công cộng luôn mang theo mình vai trò tạo điều kiện cho cư dân thư giãn, nghỉ ngơi. Rõ ràng hàng rào hiện có lại đang là một vật cản lớn cho việc phát huy công năng của các công viên.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, ngoài việc là không gian xanh công cộng, các công viên lớn còn là nơi cộng đồng dân cư nâng cao chất lượng sống. Việc xây dựng thành công viên mở là cần thiết và rất đáng hoan nghênh.

Cổng Công viên Thống Nhất mặt đường Đại Cồ Việt.

Công viên Thống Nhất đã nhiều lần được cải tạo, nhưng ông Nghiêm đánh giá chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Việc mở cửa cho cộng đồng được thực hiện từ lâu. Từ những năm 2010, chỉ người vào vui chơi, giải trí mới phải mua vé, còn người tập thể dục thể thao thì không.

Ở một góc độ khác, dù mang tính chất bảo vệ an ninh, nhưng lớp rào này cũng vô tình khiến không gian bị cô lập bên trong trở nên mất an toàn, đặc biệt là vào ban đêm, khi kẻ xấu khó có thể bị người ngoài can thiệp vào hành động của mình. 

Ở thời điểm hiện tại, việc dỡ bỏ hàng rào trước mắt không chỉ giúp cộng đồng dễ tiếp cận với công viên. Xa hơn, không gian này còn được mở rộng khi kết nối với trục phố Trần Nhân Tông (đang được quy hoạch làm phố đi bộ) và hồ Thiền Quang để tạo thành một quần thể sinh thái quan trọng của Hà Nội.

Tại một số công viên bị “bao kín” của Hà Nội và cả nước, những đề xuất gỡ bỏ hàng rào cũng từng được đưa ra. Và, trong một số trường hợp, khi được triển khai, thực tế cho thấy các không gian này đã phát huy rất hiệu quả chức năng của mình. Do vậy, việc “phá rào” cho những không gian xanh không cần được mở rộng ra những công viên khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn