MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công ty TNHH SY VINA (xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc). Ảnh: Khánh Linh

Hàng trăm công nhân ở Vĩnh Phúc vẫn chưa được trả nợ BHXH

Khánh Linh LDO | 30/06/2023 09:01

Mặc dù theo lịch hẹn của lãnh đạo Công ty TNHH SY VINA (xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc), doanh nghiệp sẽ thanh toán nợ BHXH cho công nhân trước ngày 30.6. Tuy nhiên, dù đã đến ngày hẹn, phía doanh nghiệp vẫn “bặt vô âm tín”.

Đến hạn nhưng chưa thanh toán

Đã 1 tháng trôi qua kể từ ngày cơ quan chức năng vào cuộc vụ Công ty TNHH SY VINA nợ lương, nợ BHXH, các công nhân của doanh nghiệp này vẫn đứng ngồi không yên vì phía doanh nghiệp “bặt vô âm tín”, chưa có bất cứ động thái gì, cho dù đã là ngày cuối cùng doanh nghiệp cam kết với người lao động.

Sáng 29.6, thông tin đến PV, ông Lê Đình Tuấn - Phó Giám đốc phụ trách Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc - cho biết, đến thời điểm này, doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện trả nợ BHXH cho công nhân theo cam kết.

Thông tin từ BHXH tỉnh Vĩnh Phúc, tại buổi làm việc ngày 31.5.2023, tại Công ty TNHH SY Vina, trước sự chứng kiến của đoàn công tác liên ngành tỉnh Vĩnh Phúc, đại diện doanh nghiệp đã cam kết sẽ thanh toán 100% số tiền BHXH cho người lao động, trước ngày 30.6.2023.
Theo BHXH tỉnh Vĩnh Phúc, tình trạng nợ BHXH xảy ra tại Công ty TNHH SY VINA bắt đầu từ tháng 12.2020. Hiện, tổng số tiền doanh nghiệp này nợ BHXH đã lên đến hơn 11 tỉ đồng.

Công nhân sắp đến ngày sinh mong được trả nợ BHXH
Kể từ khi nhận được văn bản chính thức của công ty cam kết về việc doanh nghiệp sẽ thanh toán 100% số tiền BHXH cho người lao động trước ngày 30.6.2023, chị Nguyễn Thị Nhàn cùng hàng trăm công nhân ngày đêm trông ngóng.

Chỉ còn 1 tháng nữa là đến ngày dự sinh, trong khi chị Nhàn làm thủ tục mua bảo hiểm y tế tự nguyện vẫn hàng ngày cập nhật thông tin từ phía công ty với hi vọng sẽ được trả nợ BHXH, được thanh toán tiền thai sản của bé thứ nhất cũng như có hỗ trợ thai sản của bé thứ hai. Nhưng dù đã đến ngày hẹn, phía công ty vẫn chưa có động tĩnh gì khiến nỗi thất vọng hiện rõ trên gương mặt thai phụ chuẩn bị lâm bồn.

Chị Nhàn buồn rầu: “Đã nhiêu lần giám đốc hứa hẹn để chúng tôi hi vọng, nhưng rồi lại thất hứa, cứ như thế dai dẳng gần 2 năm nay”.

Công nhân công ty này cho biết, giữa tháng 6, khi công nhân liên tục nhắn tin giục, giám đốc công ty có nhắn lại dòng tin bằng tiếng Hàn Quốc, được dịch ra tiếng Việt với nội dung “Từ ngày 15 - 17.6, khách hàng từ Trung Quốc sẽ đến thăm nhà máy để mua máy. Từ ngày 22 - 24.6, một khách hàng Hàn Quốc sẽ đến thăm nhà máy để mua nhà máy”.

Đến chiều 28.6, lại nhận được thêm tin nhắn với nội dung “Người mua Korea Shoe Factory đã yêu cầu thêm thời gian. Những người mua nhà máy sản xuất giày Đài Loan sẽ ghé thăm lại công ty vào ngày 29.6. Người mua Trung Quốc nói rằng, sẽ thông báo lại lịch trình chuyến thăm”.

Người lao động có thể khởi kiện

Trao đổi với PV, bà Bùi Phương Thảo - Chuyên gia pháp lí, Công ty TNHH DV Gia Đăng Luật - cho biết, căn cứ Điều 122 Luật BHXH năm 2014, quy định xử lí vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội. Trong khoản 1,2,3, điều 17, Luật BHXH ghi rõ, các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; Chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; Chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp...

Tại khoản 3 Điều 122 Luật BHXH có quy định: “Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 17 của luật này từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lí theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.

Nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội”.

Cũng theo bà Thảo, nếu khiếu nại với cơ quan BHXH hoặc công đoàn công ty không được giải quyết hoặc không hài lòng với kết quả giải quyết, người lao động có quyền khởi kiện ra tòa nơi doanh nghiệp đặt trụ sở để bảo vệ quyền lợi của mình. Tòa án sẽ xét xử theo luật định và có thể yêu cầu doanh nghiệp bồi thường thiệt hại cho người lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn